Quy định cụ thể tiêu chí, danh hiệu thi đua, khắc phục tính hình thức, phong trào

Chính trị - Ngày đăng : 20:05, 27/05/2022

(BKTO) - Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác liên quan đến việc bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu; bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”...


                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc quy định các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ thi đua cơ sở có tính tiếp nối, kế thừa khen từ thấp đến cao có quy định về tỷ lệ khen thưởng đã tạo cho thi đua mang tính hình thức, phong trào. Tập thể xây dựng lộ trình khen thưởng cá nhân, có sự nhường nhau để theo đuổi đạt được danh hiệu thi đua cao hơn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định một cách cụ thể về các tiêu chí, danh hiệu thi đua, khắc phục hạn chế mang tính chất gối đầu này.

Về danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường thị trấn tiêu biểu, đại biểu Dung đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí khung và UBND tỉnh quy định chi tiết phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương dựa trên các tiêu chí khung để đảm bảo tính thống nhất.

Liên quan đến quy định đối tượng khen thưởng là đại biểu dân cử gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn TP. Cần Thơ) cho rằng dự thảo Luật vẫn còn chung chung, trong khi công tác thi đua, khen thưởng lực lượng này thời gian qua vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng trong việc lập hồ sơ và đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm hoàn thiện và cụ thể các quy định về thi đua, khen thưởng cho đối tượng này để đảm bảo thực hiện hiệu quả và khả thi.
                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) quan tâm đến việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn “có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên” là chưa phù hợp, bởi thực tế cho thấy, một bộ phận thanh niên xung phong có thành tích, cống hiến nhưng lại không đủ thời gian 2 năm sẽ rất thiệt thòi.

“Tôi đồng tình với quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Vì thế, tôi kiến nghị cần thăng hạng trong khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để bảo đảm tính công bằng” – đại biểu nêu quan điểm.

Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) kỳ vọng khi thông qua Luật Thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra những động lực to lớn trong toàn xã hội, khuyến khích, động viên các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và toàn dân phát huy hơn nữa lòng yêu nước, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Liên quan đến quy định về danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú quy định tại Điều 66, đại biểu tán thành việc bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các soạn giả trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Quy định này sẽ thể hiện sự quan tâm, trân trọng sự đánh giá và nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn và toàn diện những nỗ lực cống hiến, đóng góp, hy sinh và vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động ở tất cả các lĩnh vực văn học nghệ thuật, kể cả nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đảm bảo không bỏ sót, phù hợp với xu thế của tình hình mới và đáp ứng đông đảo nguyện vọng mong đợi của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.

Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Xã hội, với các cơ quan liên quan để tổng hợp một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua.

Riêng đối với quy định về bổ sung đối tượng được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú do còn có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể./.
Đ. KHOA