Tăng cường giám sát, có chế tài xử lý mạnh hơn với hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Chính trị - Ngày đăng : 11:50, 30/05/2022

(BKTO) - Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 3, đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn với những hành vi thao túng, làm giá; đồng thời cần tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.


                
   

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Đ. KHOA

   

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường chứng khoán thời gian gần đây?

Cùng với thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn rất tốt và chủ yếu cho nền kinh tế nói chung và cho nhà đầu tư nói riêng.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán phát triển rất sôi động, chỉ số VN-Index có thời điểm tăng trên 1.600 điểm. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán, trong đó có việc một số DN, nhà đầu tư thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường, khiến thị trường sụt giảm rất lớn, ở mức trên dưới 1.200 điểm.

Với mức độ dao động lớn như vậy thể hiện tính rủi ro của thị trường rất cao. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tài chính và làm giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư vào chứng khoán rất lớn.

Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn?

Để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán trong thời gian tới, tôi cho rằng, cần có những biện pháp răn đe mạnh hơn; đặc biệt là đối với các hành vi thao túng thị trường, thao túng về giá, số lượng cổ phiếu. Trong thời gian qua, sự quản lý của Nhà nước về vấn đề này chưa đủ sức răn đe nên người ta có thể sẵn sàng chấp nhận vi phạm để kiếm lợi, bởi lợi nhuận đạt được quá lớn so với mức xử phạt theo quy định.
Do đó, chúng ta cần có quy định, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh các hành vi này. Chẳng hạn, khi bị phát hiện hành vi thao túng, làm giá, DN vừa phải hoàn lại số tiền kiếm được từ hành vi đó, vừa phải bị xử phạt với mức phạt cao hơn. Cùng với đó, có thể sẽ bị cấm có thời hạn việc điều hành, kinh doanh chứng khoán.

Hiện nay chúng ta cũng đang hướng đến hoàn thiện thể chế, tăng mức phạt để tăng sự răn đe. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát thị trường nhằm phát hiện sớm hơn để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Còn như hiện nay hành vi đã diễn ra rồi chúng ta mới phát hiện thì đã bị trễ, làm cho niềm tin của nhà đầu tư thị trường chứng khoán yếu đi. Nhà đầu tư cảm thấy rất rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán.

Đối với một thị trường chứng khoán còn khá non trẻ của nước ta, tính công khai, minh bạch thông tin của thị trường hiện nay còn yếu; thông tin phản ánh thị trường, thông tin nội bộ chi phối rất nhiều. Vì vậy, để thị trường chứng khoán minh bạch hơn, cơ quan quản lý, DN niêm yết phải công bố thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, minh bạch để đưa thông tin đó vào thị trường một cách nhanh chóng.

Nếu chúng ta không sử dụng tiền kiểm thì phải hậu kiểm làm sao những thông tin nội bộ của DN về tài chính cần minh bạch, chính xác. Nếu DN đưa thông tin sai lệch phải xử lý ngay mới mang tính răn đe. Chẳng hạn, DN nào công bố thông tin 1-2 lần không đầy đủ, chính xác thì sẽ bị hủy niêm yết ngay. Có xử lý mạnh như vậy thì mới có hiệu quả, mới đảm bảo tính trung thực, minh bạch của thị trường. Khi thị trường minh bạch thì mức độ rủi ro sẽ giảm thiểu và mới lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán; để nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào thị trường.

Đối với nhà đầu tư, ông có khuyến cáo gì cho họ?

Như tôi đã nói, muốn tạo niềm tin của nhà đầu tư thì ngoài cơ chế ngăn chặn, răn đe, cơ chế giám sát, minh bạch hóa thị trường bằng những thông tin chính xác, đầy đủ. Khi tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường tăng lên, thì đòi hỏi nhà đầu tư cũng phải chuyên nghiệp trong quá trình đầu tư. Nhà đầu tư không thể cứ đi nghe thông tin nội bộ, không tìm hiểu sâu trước khi quyết định đầu tư.

Khi đầu tư, nhà đầu tư phải tìm hiểu cơ bản tình hình kinh doanh của DN như về báo cáo tài chính, báo cáo cân đối kế toán, báo cáo dòng tiền, tổng kết tài sản… đồng thời phân tích kỹ dữ liệu từ quá khứ của DN cũng như triển vọng tình hình đầu tư trong thời gian tới; mối liên kết của DN đó với các DN, đối tác… để thấy được tầm ảnh hưởng của DN với các đối tác, với thị trường. Có như vậy, nhà đầu tư mới có sự đầu tư một cách chính xác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đ. KHOA (Ghi)