Giá dầu châu Á tăng trước thềm hội nghị EU về lệnh trừng phạt Nga
Chính trị - Ngày đăng : 01:21, 31/05/2022
(BKTO)- Giá dầu châu Á tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua trong phiên giao dịch sáng 30/5 khi các nhà giao dịch chờ xem liệu Liên minh châu Âu (EU) có đạt được thỏa thuận cấm mua dầu của Nga hay không trong Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU nhằm thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga đang diễn ra.
Giá dầu châu Á tăng cao trước cuộc họp của EU
Giá dầu châu Á tăng lên mức cao nhất trong hai tháng qua - Nguồn: Reuters |
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 46 xu Mỹ (0,4%) lên 119,89 USD/thùng vào lúc 08 giờ 11 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 60 xu Mỹ (0,5%) lên 115,67 USD/thùng, tiếp tục đà tăng từ tuần trước.
EU sẽ nhóm họp vào ngày 30-31/5 để thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Bất kỳ lệnh cấm nào nữa đối với dầu mỏ của Nga sẽ thắt chặt thị trường dầu thô vốn đã căng thẳng về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay tăng mạnh khi nhu cầu đi du lịch Hè tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu.
Khẳng định sự thắt chặt của thị trường, Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác bao gồm Nga gọi là (OPEC+) sẽ từ chối lời kêu gọi của phương Tây nhằm tăng tốc bổ sung sản lượng dầu trong cuộc họp vào ngày 02/6. Họ sẽ bám sát kế hoạch tăng 432.000 thùng dầu mỗi ngày vào tháng Bảy, các nguồn tin cho biết.
Thị trường dầu cũng nóng lên sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 27/5 thông báo đã giữ 2 tàu chở dầu của Hy Lạp tại Vùng Vịnh. Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết, điều này làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn hơn nữa đối với “dòng chảy” của dầu qua eo biển Hormuz, nơi 1/3 lượng dầu của thế giới đi qua.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng USD khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Mỹ tăng mạnh lãi suất và những lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu giảm dần. Đồng USD yếu khiến dầu trở nên ít đắt hơn đối với các nhà nhập khẩu nắm giữ các loại tiền tệ khác.
EU đứng trước nguy cơ "chia rẽ" từ lệnh trừng phạt dầu Nga
Đức lo ngại lệnh trừng phạt dầu Nga ‘phá hủy sự thống nhất’ của châu Âu - Nguồn: Reuters |
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck lo ngại sự thống nhất của EU trong vấn đề trừng phạt chống Nga đang bắt đầu “đổ vỡ” trước thềm hội nghị thượng đỉnh, nơi dự kiến thảo luận cấm vận dầu mỏ và kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.
"Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, người ta đã thấy châu Âu có khả năng như thế nào khi có sự gắn kết mạnh mẽ. Về hội nghị thượng đỉnh ngày mai, tôi hy vọng điều đó sẽ tiếp nối. Nhưng bây giờ sự thống nhất này đang bắt đầu rạn nứt", ông Habeck phát biểu tại cuộc họp báo cuối tuần qua.
Được biết, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ gặp nhau để thảo luận về gói trừng phạt mới chống lại Nga, có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ và hợp pháp hóa việc thu giữ tài sản của Nga bị phong tỏa tại Hội nghị thượng đỉnh từ ngày 30-31/5.
Cho tới nay, các nước EU đã liên tiếp đưa ra 5 gói trừng phạt nhằm vào Nga vì tình hình Ukraine. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, thông báo rằng gói trừng phạt thứ 6 của châu Âu lên Nga sẽ bao gồm việc ngắt kết nối những ngân hàng mới khỏi SWIFT, những biện pháp trừng phạt mới “vì làm sai lệch thông tin”, cũng như hạn chế nhập khẩu dầu. Đồng thời, cũng theo ông Borrell, EU không thảo luận về khả năng nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Nga để đổi lấy nỗ lực vượt qua “cuộc khủng hoảng lương thực”.
Tuy nhiên cho tới nay khối 27 thành viên này vẫn chưa đạt được đồng thuận về lệnh cấm vận dầu Nga, chủ yếu vì sự phản đối của Hungary. Mới đây, khi được hỏi về lý do tại sao EU vẫn chưa áp lệnh cấm vận hoàn toàn dầu mỏ Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leye cho biết EU vẫn duy trì mua dầu của Nga nhằm ngăn Nga bán dầu thô cho những khách hàng khác với giá cao hơn, sau đó đầu tư khoản lợi nhuận này vào quỹ chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Theo bà Von der Leyen, "các lệnh trừng phạt đang gây ra tác động mạnh mẽ với nền kinh tế Nga", song một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế châu Âu. Nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh EU cần cân bằng giữa việc khiến Nga tổn thương bằng các biện pháp trừng phạt và không làm tổn thương các thành viên của khối trong quá trình này.
NAM SƠN (Tổng hợp)