Những tín hiệu lạc quan từ nền kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 15:06, 31/05/2022

(BKTO) - Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững”, giới chuyên gia nhận định, bức tranh kinh tế - xã hội qua nét vẽ chính sách, đâu đó vẫn còn những khó khăn, những câu chuyện cần giải quyết triệt để vì hệ luỵ của đại dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế đã có những tín hiệu phục hồi tích cực.


                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Nông nghiệp bứt tốc đúng hướng

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021, nét chấm phá rất đáng ghi nhận là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã cán mức kỷ lục 48,6 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng.

Thứ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) Lê Minh Hoan cho biết thêm, tuy 5 tháng đầu năm 2021, ngành nông nghiệp đầy rẫy những khó khăn như vấn đề thông cửa khẩu, đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào, nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, xuất siêu 5,1 tỷ USD. Bước sang năm 2022, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 50 tỷ USD.

“Những phản ứng kịp thời, đúng và trúng đã tạo nên nét chấm phá của kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có” - ông Hoan nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn, “tư lệnh” ngành NN&PTNT cho hay, nước ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường, khơi thông dòng chảy nông sản. Nước ta đã đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… và những nông sản của chúng ta bắt đầu đến được các thị trường đó một cách tự tin.

Thêm vào đó, một điểm sáng nữa, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam là một trong những nước giữ vững được an ninh lương thực quốc gia, thậm chí còn xuất khẩu gạo vào nhóm hàng đầu thế giới. Đó là kết quả tích cực cần được phát huy để góp phần phát triển bền vững nền kinh tế.

An sinh xã hội và thực hư chuyện “lên tivi mà nhận”

An sinh xã hội là vấn đề được nói nhiều nhất cho đến lúc này kể từ khi đại dịch xảy ra. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ người dân, DN và người lao động vượt qua đại dịch. Tổng tất cả những chính sách này là 81.000 tỷ đồng với hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ.

Trả lời câu hỏi về việc tuy chính sách hỗ trợ rất tốt đẹp nhưng có ý kiến nêu “lên tivi mà nhận”, ông Lê Văn Thanh chia sẻ, qua khảo sát thực tế, về cơ bản các đối tượng đều đã thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, trong 12 chính sách thì chính sách dành cho đối tượng lao động tự do được giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành. Thực tế một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hay nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào phòng chống dịch hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do.

Bộ đã làm việc với địa phương và yêu cầu khẩn trương chi trả theo danh sách đã được phê duyệt. Nếu kinh phí thiếu, địa phương cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao tất cả đối tượng đều có thể nhận được hỗ trợ.

Liên quan đến vấn đề nhà ở và việc giải ngân hỗ trợ nhà ở cho người lao động, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, do các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, đến thời điểm hiện nay, khoảng 40 tỷ đồng mới được giải ngân cho hơn 10.000 lao động. Con số này còn nhỏ so với yêu cầu 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động, vì đây là thời gian đầu.

Thêm vào đó, do nhiều nơi muốn dồn 3 tháng (4, 5, 6) để nhận tiền 1 lần, nên làm còn chậm. Bộ vừa đi đôn đốc một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc để làm sao trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách. Đặc biệt, người lao động phải chủ động hơn trong việc hoàn thành các thủ tục để nhận hỗ trợ.

Bội thu ngân sách chứ không lạm thu

Hiện nay, một vấn đề mà theo dư luận là vừa phấn khởi vừa băn khoăn, đó là bội thu ngân sách. Có ý kiến nêu DN vừa mới phục hồi, đang khó khăn mà thu ngân sách nhiều liệu có lạm thu, có làm khó DN?

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chia sẻ, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về NSNN được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán, Trung ương và cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán.

Cho biết kết quả thu là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện, ông Hưng phân tích thêm, nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8% và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam.

Nhìn ra thế giới và nhiều nước trong khu vực, kinh tế suy giảm rất nặng. Riêng với Việt Nam, 9 tháng nước ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng nước ta phải thu 74-75%. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy, đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách vẫn vượt dự toán. Thời điểm đó, Bộ Tài chính dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ đồng và thực tế vượt trên 22.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Hưng, cơ cấu thu ngân sách của nước ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo. Kết quả thu cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng niền tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh.

Dự báo kinh tế thời gian tới, các khách mời thống nhất cho rằng, nền kinh tế đang đi đúng hướng, chỉ tiêu mục tiêu Quốc hội đề ra có nhiều khả năng hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Nhìn từ khía cạnh lạc quan, những tín hiệu mặc dù là nhỏ, nhưng có sức lan tỏa. Đối với những vấn đề còn trăn trở, cần nhìn tích cực, nỗ lực và kiên trì với đường lối và giải pháp đã đề ra./.

HỒNG NHUNG