Trung Quốc công bố gói bao gồm 33 biện pháp hỗ trợ kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 20:35, 31/05/2022

(BKTO)- Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, khi hàng loạt các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID 19. Quốc vụ viện Trung Quốc hôm nay đã công bố một gói 33 biện pháp bao trùm các lĩnh vực tài chính, đầu tư và sản xuất để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế nước này.


Ba "đế chế" công nghệTrung Quốc ghi nhận doanh thu thấp kỷ lục
                
   

Sản lượng công nghiệp và tiêu dùng tháng 4 của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 năm - Nguồn:Economist

   

Ba "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc (hay được gọi làBig Tech Trung Quốc) gồmAlibaba, Tencent và JD.comđều ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thấp kỷ lục trong quý I năm nay. Liên tục các lệnh phong tỏa do làn sóng Covid-19 mới, cùng với các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các “gã khổng lồ” công nghệ này.

Theo báo cáo quý I/2022 được gã khổng lồ thương mại Alibaba công bố hôm 26/5, các đơn đặt hàng trực tuyến đều sụt giảm trên 2 nền tảng mua sắm chính tại Trung Quốc trong quý kết thúc vào ngày 31/3.

Theo Công ty cung cấp dữ liệu tài chính Wind Information, tổng doanh thu của Alibaba tăng 9% trong quý I so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất được ghi nhận theo lịch sử tài chính của Alibaba. Tương tự, doanh thu của Tencent trong quý này cũng thay đổi không đáng kể, trong khi JD.com tăng khoảng 18% so với một năm trước - cũng đều là mức thấp nhất trong lịch sử doanh nghiệp.

Cũng theo tính toán của Alibaba, tổng giá trị hàng hóa (GMV - một thước đo hàng hóa đã bán trong một khoảng thời gian nhất định) hàng hiện vật trực tuyến tại Trung Quốc của công ty, không bao gồm các đơn hàng chưa thanh toán, tiếp tục giảm trong tháng 4, ở mức từ hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 80 thành phố là những trung tâm kinh tế của Trung Quốc có ca nhiễm Covid trong tháng 4 chiếm hơn 50% GMV trên các nền tảng bán lẻ của Alibaba. Các nhà phân tích của Tổ chức tài chính China Renaissance dự báo trong quý 2, GMV thương mại điện tử tại Trung Quốc của Alibaba sẽ giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước và tổng doanh thu ròng giảm 6%.

Trong tháng 4, doanh thu bán lẻ vốn đã ảm đạm của Trung Quốc tiếp tục giảm thêm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả doanh số bán hàng trực tuyến cũng lao dốc 1%, tồi tệ hơn so với cú sốc dịch bệnh đầu tiên vào năm 2020. Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero- Covid (không Covid) đã khiến mọi hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, từ tiêu dùng đến sản xuất, chậm lại. Sản lượng công nghiệp và tiêu dùng tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất hơn 2 năm.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết để ứng phó với tình hình khó khăn, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã quyết định cắt giảm chi phí tiếp thị. Điều này được dự báo sẽ khiến ngành quảng cáo chậm phục hồi kể cả khi Trung Quốc hoàn toàn chấm dứt phong tỏa.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo kinh tế của Trung Quốc năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng 4,4%, con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% mà Trung Quốc đặt ra.Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng cảnh báo, sản lượng điện, sản lượng vận chuyển hàng hóa và các khoản vay ngân hàng đều giảm kể từ tháng 4. Nếu không có mức tăng trưởng GDP nhất định, thì việc làm ổn định sẽ không thể thành hiện thực.

Gói 33 biện pháp vực dậy nền kinh tế
                
   

Mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022 là bài toán khó với Trung Quốc- Nguồn:Bloomberg

   

Để mau chóng vực dậy nền kinh tế, Quốc vụ viện Trung Quốc mới đây đã công bố một gói 33 biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Gói chính sách 33 điểm lần này sẽ “giúp nền kinh tế trở lại quỹ đạo bình thường”, giữ các chỉ số kinh tế lớn ở trong tầm kỳ vọng hợp lý.

Gói biện pháp được tung ra khi mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022 được cho là “khó thực hiện được” trong điều kiện Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với khó khăn từ các ổ dịch, đi cùng đó là biện pháp kiểm soát hà khắc theo kiểu Zero-Covid.

Theo đó, Trung Quốc sẽ chú trọng phát triển lành mạnh của các công ty nền tảng được đánh giá có vai trò quan trọng bình ổn thị trường việc làm. Các công ty nền tảng cũng sẽ được khuyến khích để tạo ra sự đột phá trong một loạt lĩnh vực như điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo và công nghệ blockchain. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ mở rộng đầu tư tư nhân, tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và có chính sách nhằm khuyến khích người dân mua xe và đồ gia dụng để ổn đình đầu tư.

Gói kích thích kinh tế mới nhất này tập trung vào việc giảm gánh nặng, chi phí tài chính cho các doanh nghiệp, ngành sản xuất, thông qua biện pháp về hoàn thuế, giảm thuế, giảm phí. Dự kiến, số tiền hoàn thuế, giảm thuế mà các doanh nghiệp được hưởng trong năm 2022 sẽ lên đến 396 tỷ USD. Ngân hàng cũng được tăng gấp đôi hạn mức tín dụng cung ứng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ngoài gói các biện pháp nêu trên, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng tuyên bố giảm hơn nữa chi phí đi vay và tăng cường hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. Để tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương và tiền mặt hỗ trợ cho các công ty thuê sinh viên tốt nghiệp đại học.

Bên cạnh các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, lượng thực và ổn định chuỗi cung ứng, giới chức Trung Quốc cũng sẽ thực hiện chiết khấu thuế cho thêm nhiều ngành nghề, đồng thời cho phép các công ty trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp hạn chế COVID-19 được hoãn chi trả các khoản an sinh xã hội.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Đầu tư Nhật Bản Nomura nhận định, các biện pháp như vậy sẽ giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế hoặc thậm chí là sự suy thoái, nhưng họ vẫn thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong năm.

Theo ước tính củaNomura, tăng trưởng GDP trong quý 2 của Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể xuống 1,8%, mức giảm mạnh so với 4,8% trong quý đầu tiên. Giờ đây, Nomura dự đoán tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc có thể chỉ đạt 3,9% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu "khoảng 5,5%".
NAM SƠN (Tổng hợp)