Phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 05/02/2018

(BKTO) - Năm 2017, việc thực hiện cả 3 yêu cầu lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, gồm: siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, kiên trì xử lý các vấn đề tồn tại trong quản lý đầu tư công; nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách T.Ư ngày càng thu hẹp; thực hiện trao quyền tự chủ tối đa cho các địa phương, đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận.


Quyết liệt xử lý các vấn đềtồn tại

Trong năm 2017, mặc dù nhu cầu mở rộng đầu tư công tại tất cả các địa phương là cấp thiết và khả năng nguồn vốn trong cả giai đoạn 2016-2020 còn hạn chế nhưng Chính phủ đã kiên quyết xử lý tổng thể các vấn đề tồn tại: bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản vốn ứng trước, bố trí vốn hoàn thành các dự án chuyển tiếp, sau khi bố trí đủ vốn cho các thứ tự ưu tiên này, nếu còn nguồn mới xem xét bố trí cho cho các dự án khởi công mới.

Đến hết năm 2017, các địa phương đã bố trí dứt điểm thanh toán 100% nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại (6.142 tỷ đồng); hoàn trả cơ bản các khoản ứng trước ngân sách T.Ư (trừ các địa phương không khởi công mới dự án nào trong giai đoạn 2016-2020 chỉ cần hoàn trả tối thiểu 50% số vốn ứng trước) với tổng số vốn hoàn trả là 22.399 tỷ đồng.

Đồng thời, trong năm 2017, các địa phương cũng cơ bản xử lý toàn bộ các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2011-2015, chỉ khởi công mới 896 dự án trong các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, chiếm tỷ lệ 27% tổng số dự án thuộc các chương trình và giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (bình quân khởi công mới 640 dự án/năm và tỷ lệ số vốn các dự án khởi công mới/tổng số dự án là hơn 30%).

Thậm chí, trong kế hoạch năm 2017, Bộ Kế hoạc và Đầu tư (KH&ĐT) đã tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các địa phương không khởi công mới bất cứ dự án nào để dành toàn bộ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư cho thanh toán nợ đọng và bố trí dứt điểm các dự án hoàn thành, chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 21 chương trình mục tiêu triển khai trong giai đoạn 2016-2020, quy mô vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư là 281 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về khả năng cân đối ngân sách quốc gia, Quốc hội đã thông qua tổng nguồn vốn ngân sách T.Ư thực hiện 21 chương trình mục tiêu là 147 nghìn tỷ đồng, bằng 52% mức vốn đã được phê duyệt tại Nghị quyết 73/NQ-CP và chỉ tăng 9,6% so với giai đoạn 2011-2015.

Đây là một khó khăn cho các địa phương trong cân đối nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển, đặc biệt là đối với các địa phương nghèo, nhận hỗ trợ nhiều từ ngân sách T.Ư trong điều kiện vẫn phải tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng của giai đoạn trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả ứng trước ngân sách T.Ư, khắc phục tình trạng dàn trải, kém hiệu quả trong sử dụng nguồn lực đầu tư công.

Đổi mới toàn diện công tácxây dựng kế hoạch

Trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, nhu cầu đầu tư tại các địa phương còn rất lớn, Chính phủ đã quyết định tăng cường quyền tự chủ cho các địa phương trong việc xem xét, lựa chọn các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết nhất trong năm 2018 dựa trên nguyên tắc: thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu, tập trung thực hiện các chính sách về xóa đói giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa; phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương quyền lựa chọn dự án và quyết định phân bổ toàn bộ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách T.Ư…

Thực hiện định hướng của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã thể hiện rõ quyết tâm đổi mới phương pháp xây dựng kế hoạch năm 2018 thông qua việc đơn giản hóa quy trình lập kế hoạch, tăng cường tính công khai, minh bạch và tin học hóa toàn diện công tác xây dựng kế hoạch. Cụ thể, Bộ chỉ thông báo tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2018, các địa phương chủ động lựa chọn chương trình mục tiêu, danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể nhưng phải đảm bảo theo đúng thứ tự ưu tiên.

Đồng thời, Bộ đã triển khai xây dựng toàn bộ kế hoạch năm 2018 trên hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến. Kết quả là kế hoạch năm 2018 của 63 địa phương được xây dựng, tổng hợp, rà soát và giao thông qua phần mềm Hệ thống tin học với 1.649 dự án vốn trong nước, 432 dự án vốn nước ngoài ODA.

Bước thay đổi căn bản này đã giúp Bộ KH&ĐT chuẩn hóa, lượng hóa được các quy định, nguyên tắc, tiêu chí rà soát kế hoạch và tích hợp được vào Hệ thống dưới dạng các công cụ phần mềm, qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, toàn bộ quá trình xây dựng kế hoạch được minh bạch hóa và công khai, tạo thuận lợi cho Quốc hội, HĐND, các Bộ, ngành T.Ư, địa phương và các cơ quan thanh tra kiểm tra, các tổ chức xã hội giám sát việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Thực tế, để phục vụ cho công tác kiểm toán nguồn vốn ODA năm 2016, Bộ KH&ĐT đã cung cấp tài khoản cho KTNN tự truy cập, kiểm tra, kiểm toán và đánh giá độc lập. Hơn nữa, Hệ thống còn hỗ trợ được chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc quản lý dự án, lập, tổng hợp và gửi Báo cáo giám sát tổng thể đầu tư trên mạng.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 05 ra ngày 01-02-2018