Triển khai nhanh nhất gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 20:05, 01/06/2022

(BKTO) – Trước thực trạng triển khai các chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế còn chậm, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung đẩy mạnh triển khai, khẩn trương đưa các chính sách này vào đời sống để phát huy hiệu quả.


Ngày 01/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, NSNN; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng bất lợi đến nước ta và phục hồi chậm chạp sau đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong chỉ đạo, điều hành kịp thời, đề xuất với Quốc hội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, để giải quyết nhanh những vấn đề của nền kinh tế, đời sống của Nhân dân. Do đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như những tháng đầu năm 2022 đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung làm rõ thêm một số vấn đề bất cập, khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên), việc giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng quá chậm.

"Khi Quốc hội thảo luận, thông qua Nghị quyết này một cách khẩn trương nhất, nhanh nhất nhưng đến nay có vẻ như chưa qua được "vòng thủ tục", tiến độ rất chậm mặc dù đã có cơ chế đặc thù nên khó có thể nói đến hiệu quả như đã được thiết kế trong đề án, chương trình” – đại biểu Yên nêu rõ.

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng chậm và không đạt kế hoạch. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rất rõ, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021. Trong khi đó, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn rất trông mong vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia này. Tình trạng giải ngân vốn vay ODA mới chỉ đạt kế hoạch 32,85%, nhiều Bộ, ngành đạt dưới 20% đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục và việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, theo đó làm phát sinh khoản chi NSNN không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả.
                
   

Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

“Tiền đầu tư chủ yếu là tiền đi vay, phải chịu lãi suất, phí quản lý… Vấn đề giải ngân chậm, tiến độ chậm sẽ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn. Do đó, việc tăng cường kiểm soát, chỉ ra được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về việc triển khai chậm trễ này là cần thiết, để các quyết sách của Nhà nước được thực thi nghiêm túc, có hiệu lực, hiệu quả rõ rệt, đáp ứng được mong đợi của người dân” - đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, trong việc triển khai Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 43 của Quốc hội vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến cho những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. DN và người dân vẫn chưa được thụ hưởng ưu đãi về vốn, về thuế mà các chương trình mong muốn mang lại.

Để các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất 2% năm được các DN và người dân rất kỳ vọng. Trước kỳ họp Quốc hội 03 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Nghị định đã hiện thực hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại diện Covid-19.

Tuy nhiên, Nghị định ban hành đến nay vẫn tương đối chậm. Vì vậy, quá trình thực hiện đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành phối hợp điều hành không chỉ linh hoạt, quyết liệt mà phải kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã đạt hạn mức tín dụng triển khai nhanh việc hỗ trợ cho các DN và người dân vay.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) đề nghị, cần tập trung chỉ đạo để hoàn thành một cách nhanh nhất triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội để tránh lỡ nhịp tăng trưởng phục hồi và đúng với tính chất kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Đồng thời, cần tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo đại biểu, hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, song việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và DN chưa thực sự yên tâm.
Đ. KHOA