Xây dựng Chương trình môn học: Thận trọng để không lặp lại “vết xe đổ”
Xã hội - Ngày đăng : 10:20, 05/02/2018
(BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo Các chương trình môn học, hoạt động giáo dục (Chương trình môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Việc xây dựng Chương trình môn học ra sao để không lặp lại “vết xe đổ” từng xảy ra với mô hình trường học mới là băn khoăn của nhiều chuyên gia khi góp ý về Dự thảo này.
Giảm tải và phân hóa đối tượng học sinh
Chương trình GDPT bao gồm Chương trình GDPT tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Trước đó, Chương trình GDPT tổng thể đã được thông qua, căn cứ vào đây, Dự thảo Chương trình môn học ở các cấp học phổ thông đã được xây dựng.
Chương trình môn học ở các cấp học gồm có 20 môn học và hoạt động giáo dục (19 môn học và 1 hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp). Trong đó, các môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Đạo đức/Giáo dục công dân/Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp.
Bên cạnh một số môn học tích hợp như: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên…, lần đầu tiên, Hoạt động trải nghiệm/hướng nghiệp được đưa vào Chương trình dưới hình thức bắt buộc ở tất cả các cấp học.
Chương trình môn học cần được nghiên cứu thận trọng, đảm bảo tính khả thi. Ảnh: KIM ANH
Đánh giá về Dự thảo Chương trình môn học nêu trên, PGS,TS. Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn cho biết, điểm khác biệt nhất của Chương trình môn Ngữ văn so với trước đây là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy. Phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh ở môn học cũng được thay đổi. Thay vì chú trọng đọc - chép như trước đây, giáo viên tổ chức lớp học, các hoạt động giáo dục theo hướng khuyến khích học sinh trao đổi, tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe.
Đối với môn Toán, Chương trình được xây dựng tinh giản, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Chương trình sẽ dành thời gian thích đáng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh ở từng lớp, giúp các em vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy từ giáo dục toán học và kinh nghiệm của bản thân vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn.
Theo GS,TS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPT tổng thể - Chương trình mới chú trọng giảm tải nội dung, nhất là giảm bớt kiến thức khó, nhàm chán. Đáng chú ý, Chương trình môn học thực hiện chủ trương phân hóa sớm và rõ rệt, ngay từ cấp tiểu học và đến cấp học cao, mức độ phân hóa càng sâu theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Chương trình cũng tăng cường tính thực hành cho học sinh thông qua những nội dung được chọn lựa thiết thực, cần thiết cho người học.
Đặc biệt, việc cho phép học sinh tự chọn môn học được các chuyên gia giáo dục đánh giá là một trong những nội dung quan trọng thể hiện tinh thần tiến bộ của Chương trình GDPT mới.
Băn khoăn về tính khả thi của Chương trình
Ghi nhận những điểm mới của Chương trình GDPT, trong đó nổi bật là giảm áp lực học tập cho học sinh - điều được phụ huynh, học sinh mong chờ, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Chương trình môn học.
Một số chủ biên Chương trình môn học đều khẳng định đã tính toán đến điều kiện hiện tại và Chương trình có thể vận hành ở mức độ vừa phải, rồi sẽ tăng tiến dần. Đặt quyết tâm cao để “chạy đua” thời gian, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất tốt khi áp dụng Chương trình GDPT mới, song GS,TS. Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn thừa nhận, tình trạng lớp học đông, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn tại nhiều địa phương là những thách thức khó cải thiện trong tương lai gần.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương giảm sĩ số học sinh theo quy định. Cụ thể, với tiểu học là 35 em/lớp và với trung học là 40 - 45 em/lớp. Nếu sĩ số 50 - 60 em/lớp như hiện nay thì chúng ta không thể tổ chức lớp học theo nhóm” - GS,TS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới của TP. Hà Nội, lãnh đạo một số trường phổ thông trên địa bàn Thành phố có chung quan điểm cho rằng, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc để chương trình mới có tính lâu dài, phù hợp với thực tế học sinh ở cả thành phố và vùng sâu, vùng xa, tránh trường hợp chương trình mới nhưng phải điều chỉnh khi triển khai trong thực tế.
Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất, đa số ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về lực lượng giáo viên. “Với việc dạy tích hợp, đội ngũ giáo viên được đào tạo như hiện nay liệu đã đáp ứng yêu cầu chưa? Nếu chưa thì các bước chuẩn bị tiếp theo như thế nào?” - ông Đoàn Công Thạo - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đặt câu hỏi.
Nhắc lại câu chuyện mô hình trường học mới (VNEN), GS,TSKH. Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, đây chính là hệ quả của tư tưởng nóng vội, vì mong muốn đổi mới nhanh mà không tính toán được hết điều kiện thực tế. Điều đó dẫn đến việc nhiều trường thực hiện nhưng không theo kịp, thậm chí không nắm bắt được phương pháp dạy học mới. GS,TSKH. Đỗ Đức Thái cũng cảnh báo: “Nếu không coi đây là bài học để rút kinh nghiệm cho Chương trình GDPT mới thì chúng ta cũng sẽ vấp phải khó khăn”.
Dự kiến, Chương trình môn học sẽ được ban hành chính thức vào tháng 4 tới đây để làm căn cứ cho việc viết sách giáo khoa. Tuy nhiên, để không lặp lại “vết xe đổ”, điển hình là bài học từ mô hình VNEN trước đó, Bộ GD&ĐT cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện để đảm bảo tính khả thi của Chương trình.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 05 ra ngày 01-02-2018