Đảm bảo nghiêm túc, minh bạch và thực chất tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Kinh tế - Ngày đăng : 21:21, 03/06/2022
(BKTO) - Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp (gọi chung là Kỳ thi) năm 2022 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các địa phương tổ chức triển khai. Yêu cầu về một Kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, thực chất tiếp tục được các nhà giáo, đại biểu Quốc hội đặt ra, trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới một cách toàn diện.
Đảm bảo nghiêm túc, minh bạch và thực chất tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa |
Kỳ thi có nhiều đổi mới, song chưa hết “sạn”
Theo Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, đến nay, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp cơ bản đi vào nền nếp, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, tạo điều kiện hơn cho học sinh nhiều cơ hội lựa chọn ngành học.
Từ năm 2015 đến nay, Kỳ thi THPT quốc gia nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chính thức được tổ chức. Nhìn chung, kỳ thi “hai trong một” này đã đạt được một số mục tiêu đề ra như: áp lực thi cử giảm; thí sinh không phải đi thi quá xa; các trường đều sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia... Tuy nhiên, bên cạnh đó Kỳ thi này cũng tồn tại không ít bất cập.
Từ kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi, cô Nguyễn Thị Hòa (giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho rằng, đề thi vừa qua chưa phân hóa tốt. Bất cập này thể hiện rõ, khi nhiều em đạt điểm rất cao, đến 29/30 điểm vẫn trượt đại học.
Bên cạnh đó, việc thi trắc nghiệm khiến dư luận tranh cãi không hồi kết bởi thí sinh học đối phó, còn mang tính may rủi (nếu chọn đáp án trắc nghiệm ngẫu nhiên), chất lượng đề thi chưa giúp chọn được học sinh có năng lực; việc gian lận thi cử rất dễ xảy ra trong khâu chấm thi.
Góp ý về việc tổ chức Kỳ thi tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, việc tổ chức Kỳ thi trong những năm qua mặc dù có nhiều đổi mới nhưng còn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng loạn điểm chuẩn, "mưa" điểm 10 dẫn đến chất lượng của kết quả thi dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào các trường có tính cạnh tranh cao…
Trăn trở về những vấn đề tồn tại trong giáo dục, khi toàn Ngành đang thực hiện đổi mới toàn diện, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) cho rằng, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, thì có cải cách mấy cũng bằng thừa. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Đề cập đến công tác chuẩn bị cho Kỳ thi năm 2022, đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức Kỳ thi năm 2022.Theo đó, Kỳ thi năm 2022 được tổ chức theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021.
Trước những vấn đề đặt ra liên quan đến công tác tổ chức trước, trong và sau thi, đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, ngoài việc lấy ý kiến trước khi ban hành các quy định có liên quan đến tổ chức Kỳ thi, Bộ cũng đã ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt phương án, ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra Kỳ thi năm 2022, trong đó nhấn mạnh đến mục đích, yêu cầu là kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm; đồng thời gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức tham gia thanh tra, kiểm tra thi.
Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi. Ảnh minh họa |
Xác định Kỳ thi năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh với nhiều khó khăn, thách thức, song theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Lê Mỹ Phong, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các địa phương để tiến hành tổ chức Kỳ thi năm 2022 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới.
Đánh giá cao những cải tiến về Kỳ thi trong mấy năm gần đây của Bộ GD&ĐT, TS. Lê Viết Khuyến (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cũng cho biết, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe phản hồi của dư luận và hoàn thiện công tác tổ chức Kỳ thi. Theo TS. Khuyến, công tác chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi là rất cần thiết, song quan trọng hơn, đó là công tác thực thi để đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
Dẫn chứng những tiêu cực trong thi cử vừa qua xảy ra chủ yếu trong quá trình giám sát, coi chi, chấm thi, không phải lỗi từ quy định, TS. Khuyến đề nghị cần có giải pháp đảm bảo tính độc lập, khách quan của cán bộ tham gia vào các khâu coi thi, chấm thi… , cũng như cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động này.
Để Kỳ thi năm 2022 được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức Kỳ thi, quy chế tuyển sinh để học sinh, phụ huynh hiểu, ủng hộ và phối hợp. Tiếp đó, cần chú trọng lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, Bộ GD&ĐT xem xét hướng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông. Nếu đề thi hướng tới xét tốt nghiệp thì nên đưa vào nhiều kiến thức cơ bản, ít kiến thức cao. Nhưng nếu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học thì tính phân hóa phải cao hơn để nâng cao chất lượng của kết quả xét tuyển, nâng cao ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi.
Trong Chỉ thị số 06/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kế hoạch tổ chức Kỳ thi; chịu trách nhiệm về đề thi cho Kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức Kỳ thi và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính thống nhất toàn quốc bảo đảm chính xác, an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi. |
NGUYỄN LỘC