Tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 05/02/2018
(BKTO) - Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) do Bộ Tài chính ban hành dựa trên Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA). Đây là cơ sở để định hướng hoạt động chuyên môn cho các Kiểm toán viên (KTV) và DN kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán vẫn còn nhiều hạn chế.
Tuân thủ chưa nghiêm các chuẩn mực, quy định
Báo cáo đánh giá sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc lĩnh vực kế toán và kiểm toán (Báo cáo ROCS) do Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính công bố cuối năm 2017 đã chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình DN kiểm toán áp dụng các chuẩn mực và quy định của pháp luật. Cụ thể, một số trường hợp không ghi chép đầy đủ về hệ thống kiểm soát nội bộ, nhất là các kiểm soát liên quan đến những rủi ro đã được phát hiện và lập Kế hoạch kiểm toán. Đôi khi, các KTV cũng xác định mức trọng yếu cao hơn ngưỡng cho phép.
Qua nghiên cứu và khảo sát, nhóm nghiên cứu ROCS nhận thấy, Chương trình kiểm toán mẫu và các hướng dẫn của Hội KTV hành nghề Việt Nam dù rất hữu ích nhưng vẫn chưa đủ để trang bị cho các công ty trong nước một phương pháp kiểm toán, kiểm soát chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Đồng thời, sự khác biệt về mức độ chuyên môn, kinh nghiệm và nguồn lực giữa các công ty kiểm toán đã dẫn đến những chênh lệch đáng kể về chất lượng. Công ty kiểm toán là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế vốn có lợi thế từ các quy trình kiểm soát chất lượng nội bộ.
Trong khi đó, những công ty kiểm toán trong nước lại ít được hỗ trợ về chuyên môn, nên khó giải quyết thỏa đáng các vấn đề quan trọng. Điều này đòi hỏi phải có hướng dẫn thực hiện VSA, Chuẩn mực quốc tế về Kiểm soát chất lượng (ISQC1) và các quy tắc, đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Bên cạnh đó, những đơn vị lập Báo cáo tài chính được phỏng vấn đều thừa nhận mức phí là yếu tố quan trọng để họ cân nhắc, lựa chọn công ty kiểm toán. Tuy nhiên, do không nhận thức đầy đủ về mục đích và giá trị của kiểm toán độc lập nên một số đơn vị chỉ chú trọng vào việc giảm thiểu chi phí. Tình trạng này dẫn đến mức phí kiểm toán đối với các đơn vị có lợi ích công chúng bị hạ thấp, sự cạnh tranh giữa các công ty kiểm toán ngày càng gay gắt, làm giảm chất lượng kiểm toán.
VSA bao gồm 47 chuẩn mực; trong đó có 38 chuẩn mực về dịch vụ kiểm toán, 2 chuẩn mực về dịch vụ soát xét, 3 chuẩn mực về dịch vụ đảm bảo khác ngoài dịch vụ kiểm toán và dịch vụ soát xét, 2 chuẩn mực về các dịch vụ có liên quan, 1 khuôn khổ về hợp đồng dịch vụ đảm bảo và 1 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Hầu hết các chuẩn mực được cập nhật trong năm 2012, chỉ có 10 chuẩn mực mới được ban hành để đảm bảo đồng bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. |
Tuy nhiên, do nguồn lực và năng lực hạn chế, một số đơn vị thường dựa vào hỗ trợ của KTV để lập các chỉ tiêu trong Báo cáo tài chính. Tình trạng này có thể khiến các KTV thỏa hiệp tính độc lập bằng việc ra ý kiến trên báo cáo mà mình tham gia soạn thảo, gây ảnh hưởng tới nguyên tắc cơ bản nhất của kiểm toán độc lập.
Cần cơ chế đảm bảo tuân thủ chuẩn mực
Từ những phát hiện trên, Báo cáo ROCS đã đưa ra khuyến nghị nhằm hướng tới việc tuân thủ nghiêm các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán. Theo đó, Việt Nam phải có cơ chế cập nhật thường xuyên để đảm bảo VSA luôn phù hợp với sự thay đổi của các chuẩn mực quốc tế. Cơ chế cập nhật này bao gồm cả việc phổ biến đến các cơ quan giám sát và đơn vị thực hiện. Đồng thời, Việt Nam cần hướng tới xây dựng, phát triển một tổ chức phù hợp, thực hiện nhiệm vụ giám sát nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.
Cùng với đó, vấn đề cạnh tranh làm giảm mức phí kiểm toán cần được giải quyết thấu đáo. Bởi, đây là yếu tố quan trọng đối với quản trị DN và tính bền vững của nghề kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Một quy trình kiểm toán đạt chất lượng tốt đòi hỏi mức phí tương xứng, đảm bảo tính bền vững.
Do đó, Bộ Tài chính và các hiệp hội nghề nghiệp sớm ban hành các quy định nhằm nâng cao nhận thức cho tất cả các công ty kiểm toán và các bên liên quan về giá trị của quy trình kiểm toán độc lập. Việc thực hiện tốt quy trình này sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo độ tin cậy của Báo cáo tài chính DN.
Một điều nữa mà nhóm nghiên cứu ROCS đưa ra là các công ty kiểm toán trong nước thường gặp khó khăn khi xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ và thiếu hỗ trợ chuyên môn từ các hãng kiểm toán quốc tế. Việc khắc phục những hạn chế này sẽ góp phần giúp các DN kiểm toán trong nước tuân thủ tốt VSA và những thông lệ quốc tế, nhất là khi kiểm toán ở các đơn vị có lợi ích công chúng với độ phức tạp cao.
Những khuyến nghị trên cho thấy, tuân thủ nghiêm các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán không chỉ là trách nhiệm của riêng DN mà còn cần sự vào cuộc từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan.
THÀNH ĐỨC
Theo Báo Kiểm toán số 05 ra ngày 01-02-2018