Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Chính trị - Ngày đăng : 18:35, 06/06/2022

(BKTO) – Chiều 06/6, với 88,18% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Theo Nghị quyết, ngoài việc giám sát tối cao 2 chuyên đề, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.


                
   

Đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết. Ảnh: Đ. KHOA

   

Theo đó, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại Kỳ họp thứ 5.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát của chuyên đề này, tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng và chế độ, chính sách đối với nhân lực làm công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, có ý kiến cho rằng, vấn đề này đã được các cơ quan kiểm toán, thanh tra tiến hành kiểm toán, thanh tra tại các địa phương trong năm 2021; ý kiến khác đề nghị tách nội dung này thành một chuyên đề giám sát riêng và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiệu quả của việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là vấn đề được cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi và được đa số các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn (61,94%). Kết quả kiểm toán, thanh tra về nội dung này sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát tối cao một cách toàn diện hơn.

Hơn nữa, thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng; do đó, việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ hơn, góp phần định hướng giải pháp xây dựng và hoàn thiện hơn hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Cũng theo Nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Đồng thời, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các báo cáo công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước...

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này; chỉ đạo, điều hòa hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, làm cơ sở cho việc dự kiến chương trình giám sát của năm tiếp theo, bảo đảm gắn kết giữa hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội và điều kiện, tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiếp tục đổi mới, giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Trong quá trình giám sát, cần tăng cường đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; sử dụng thông tin từ cơ quan KTNN, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát. Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát” – Nghị quyết nêu rõ.
Đ. KHOA