Mỹ ‘mở đường’ cho dầu Venezuela vào EU sau lệnh cấm vận dầu Nga

Chính trị - Ngày đăng : 22:50, 07/06/2022

(BKTO)- Nhằm giúp các quốc gia EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế, theo truyền thông quốc tế, Mỹ đã cho phép cho một số công ty dầu khí hoạt động tại Venezuela, các tập đoàn Eni SpA của Italy và Repsol của Tây Ban Nha sẽ bắt đầu vận chuyển dầu của quốc gia Nam Mỹ này tới châu Âu trong tháng sau để bù đắp thiếu hụt dầu thô của Nga.


                
   

Ông Medvedev cho rằng EU sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm nguồn dầu thay thế Nga - Nguồn: Reuters

   

‘EU sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm nguồn dầu thay thế Nga'

Phản ứng trước lệnh cấm vận dầu Nga trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU), mới đâyPhó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố EU sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm nguồn dầu thay thế.

"Không có cách nào để từ bỏ dầu của chúng ta ngay lập tức. Người dân và doanh nghiệp của họ có thể phải chịu áp lực lớn. Vì vậy, họ quyết định kéo dài dự án trong nhiều tháng để tìm nguồn cung cấp thay thế. Giờ đây, người dân châu Âu sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm nguồn nguyên liệu có chất lượng tương tự'' - ông Medvedev cho biết.

Ông lưu ý rằng châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu một số loại nhiên liệu, bao gồm cả dầu diesel, vốn cần cho xe tải và thiết bị nông nghiệp. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nhấn mạnh thêm rằng lệnh cấm bảo hiểm các tàu chở dầu của Nga theo quy định của lệnh trừng phạt mới có thể được giải quyết bằng cách ký kết thỏa thuận với các nước thứ ba.

"Vấn đề này có thể giải quyết được - vấn đề cung cấp bảo hiểm có thể được thực hiện thông qua bảo lãnh của nhà nước trong phạm vi thỏa thuận giữa các quốc gia với các nước thứ ba. Nga luôn là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy, và Nga sẽ vẫn luôn như vậy trong tương lai", ông Medvedev nhấn mạnh thêm.

Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi EU vừa công bố gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, bao gồm cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng từ sáu tháng đối với dầu thô và tám tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

Đặc biệt, lệnh cấm đối với các công ty bảo hiểm sẽ bao gồm các tàu chở dầu của Nga ở bất cứ đâu trên thế giới. Các biện pháp trừng phạt này có thể làm giảm nỗ lực bán dầu của Nga ở châu Á, đồng thời giúp các công ty châu Âu đảm bảo phần lớn hoạt động buôn bán dầu mỏ trên thế giới. "Điều này sẽ đặc biệt làm khó Nga trong việc tiếp tục xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của họ tới phần còn lại của thế giới", Hội đồng châu Âu khẳng định.

Hãng tin Independent mới đây dẫn số liệu cho biết kể từ khi diễn ra chiến dịch quân sự ở Ukraine, các công ty vận tải châu Âu đã vận chuyển gấp đôi khối lượng dầu của Nga. Cụ thể, ba quốc gia châu Âu là Hy Lạp, Síp và Malta và các công ty đăng ký tại các nước này nhận được lợi ích lớn nhất từ ​​việc vận chuyển dầu của Nga. Trong tháng 2, họ đã vận chuyển tổng cộng 31 triệu thùng dầu của Nga, trong tháng Năm – con số này đã là 58 triệu thùng. Chỉ trong ba tháng, các tàu liên kết với Hy Lạp, Síp và Malta đã vận chuyển 178 triệu thùng dầu của Nga với tổng trị giá 17,3 tỷ USD.

Mỹ mở đường nối lại quá trình đổi dầu trả nợvới Venezuela
                
   

Mỹ được cho là đã “bật đèn xanh” để nối lại dòng chảy dầu bị đóng băng từ lâu của Venezuela sang châu Âu - Nguồn: AFP

   

Theo nguồn tin của Reuters, hai công ty dầu mỏ Eni của Italia và Repsol của Tây Ban Nha đã có thể bắt đầu vận chuyển dầu của Venezuela đến châu Âu ngay trong tháng 7 để bù cho lượng dầu thô của Nga, nối lại quá trình đổi dầu trả nợ đã bị tạm ngưng từ 2 năm trước do Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với phía Venezuela.

Hãng truyền thông của Mỹ dẫn một nguồn giấu tên cho biết,mặc dù lượng dầu mà Eni và Repsol dự kiến nhận được sẽ không lớn và không có tác động đáng kể đến giá dầu toàn cầu, nhưng việc Washington “bật đèn xanh” để nối lại dòng chảy dầu bị đóng băng từ lâu của Venezuela sang châu Âu có thể mang lại một sự thúc đẩy mang tính biểu tượng cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Hai công ty nói trên đều có liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA), do đó có thể tính các lô hàng dầu thô vào các khoản nợ tồn đọng và nợ cổ tức trễ hạn. Nguồn tin này cũng nhấn mạnh một trong những điều kiện chính là lượng dầu nhận được “phải được chuyển đến châu Âu” và không thể được bán lại ở nơi khác. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng rằng dầu thô của Venezuela có thể giúp châu Âu cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga và chuyển hướng một số hàng hóa mà Venezuela xuất sang Trung Quốc ra các nước khác.

Từ giữa năm 2020, trong bối cảnh chiến dịch "gây áp lực tối đa" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cắt giảm xuất khẩu dầu của Venezuela, nhiều công ty dầu khí lớn như Chevron Corp, Oil and Natural Gas Corp Ltd và Maurel & Prom SA đã ngừng việc “trả nợ bằng dầu” với Venezuela. Tuy nhiên, quan hệ Washington – Caracas đã có dấu hiệu “tan băng’ sau cuộc đàm phán cấp cao giữa 2 nước vào tháng 3 năm nay, khi Venezuela đã trả tự do cho 2 trong số ít nhất 10 công dân Mỹ bị bỏ tù và hứa sẽ nối lại các cuộc đàm phán bầu cử với phe đối lập. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Biden cũng ủy quyền cho Chevron, công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ vẫn hoạt động ở Venezuela, nói chuyện với chính phủ của Tổng thống Maduro và PDVSA về các hoạt động trong tương lai ở Venezuela.

Vào khoảng thời gian đó, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bí mật gửi thư cho phía Eni và Repsol, cho rằng Washington sẽ “không phản đối” nếu các công ty này nối lại các giao dịch “lấy dầu đổi nợ” và đưa dầu đến châu Âu.

Trong một diễn biến khác, ngày 11/5, Bulgaria thông báo nước này đã thỏa thuận với Mỹ về việc mua LNG "với giá thấp hơn giá của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom." Tuy nhiên, giá bán không được tiết lộ. Theo chính phủ Bulgaria, trước đó Thủ tướng nước này Kirill Petko đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Washington.

Kênh truyền hình Nova dẫn nguồn tin từ Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đã cập bến Thổ Nhĩ Kỳ để bốc dỡ lô hàng, sau đó sẽ được chuyển đến Bulgaria. Tàu chở hàng này dự kiến sẽ đến vào ngày 8/6 và cập bờ ở một cảng khác. Dự kiến, việc bốc dỡ lô hàng sẽ mất khoảng 18 giờ.

Trước đó ngày 27/4, Tập đoàn năng lượng Nga - Gazprom thông báo đã đình chỉ hoàn toàn việc giao hàng cho Bulgargaz (công ty khai thác khí đốt thuộc sở hữu nhà nước) của Bulgaria và Công ty khí đốt PGNIG của Ba Lan do tiền mua khí đốt không được hai nước này thanh toán bằng đồng ruble.
NAM SƠN