Hai vai trò quan trọng của kiểm toán nội bộ khi đánh giá ESG

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:50, 09/06/2022

(BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tổ chức đạt được các mục tiêu về môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Để thực hiện tốt vai trò cố vấn và đảm bảo, kiểm toán viên nội bộ (KTV) cần có kiến thức chuyên môn về ESG và nhiều kỹ năng quan trọng.


Những năm gần đây, cùng với việc giám sát các rủi ro đối với nhiều lĩnh vực khác, kiểm toán nội bộ (KTNB) cũng cần đánh giá và báo cáo các vấn đề về ESG để đảm bảo ESG được xem xét một cách phù hợp với chiến lược phát triển của tổ chức. Theo Bản tóm tắt kiến ​​thức toàn cầu “Các tiêu chuẩn báo cáo ESG trong năm 2022” của Hiệp hội KTNB Hoa Kỳ (IIA),mỗi tổ chức có cách nhìn nhận và đặt ESG ở các vị trí khác nhau trong kế hoạch chiến lược phát triển. Ngoài ra, việc xem xét ESG cũng có thể khác nhau với từng thành phần: E (môi trường), S (xã hội) và G (quản trị).
Vì vậy, các nhà lãnh đạo KTNB phải hiểu về bối cảnh hoạt động của tổ chức và đảm bảo rằng hội đồng quản trị đang xem xét ESG theo cách phù hợp nhất với những ý tưởng sẽ phát triển trong tương lai.Sự sai lệch ngay từ tư duy của lãnh đạo sẽ khiến tổ chức đi chệch hướng và nảy sinh những bất đồng trong các cuộc họp nội bộ khi xác định mục tiêu quan trọng.Khi tư duy và mục tiêu ESG tổng thể được thiết lập, KTNB có hai vai trò quan trọng giúp tổ chức đạt được mục tiêu đề ra, đó là cố vấn và đảm bảo.

KTNB phải đảm bảo tính chính xác, tính xác thực và khả năng xác minh dữ liệu ESG - Ảnh minh họa

Cố vấn dựa trên việc thu thập và đánh giá dữ liệu
Để có thể thực hiện chức năng cố vấn, trước tiên, KTV cần có kỹ năng và kiến ​​thức chuyên môn về ESG và tổ chức phải cung cấp các nguồn lực cần thiết để KTV có đủ các năng lực đó thông qua việc đào tạo, luân chuyển công việc hoặc hợp tác với bên thứ ba.
Yếu tố thứ hai không thể thiếu là xác địnhđúng dữ liệu.Mỗi thành phần E, S, G sẽ có một lăng kính khác nhau để nhìn nhận, đồng thời, các bên liên quan cũng sẽ có những kỳ vọng khác nhau dựa trên mối quan hệ của họ với công ty.Như vậy, KTNB sẽ phải thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn như: Khách hàng, nhân viên hiện tại, nhân viên tương lai, nhà cung cấp, nhà đầu tư, chủ nợ, công ty bảo hiểm, cơ quan quản lý và các bên khác. Từ đó, KTV thiết lập một danh sách toàn diện về các hạng mục ESG cần thảo luận với lãnh đạo của tổ chức.
Bên cạnh đó, các KTV cũng phải xem xét các đối thủ cạnh tranh đang làm gì với ESG, hoặc họ đang thảo luận về những chủ đề gì.Nơi tốt nhất để KTV thu thập được thông tin là thông qua mạng lưới ngành, nhóm, đồng nghiệp, thảo luận bàn tròn, hội nghị và các cuộc họp chuyên môn khác.Các công ty tư vấn cũng là một nguồn có giá trị để KTNB nắm bắt thông tin về những gì đối thủ cạnh tranh đang làm hoặc đang xem xét.
Một yếu tố xuyên suốt trong quy trình tư vấn của KTNB là phải luôn cộng tác với các chức năng chính khác trong tổ chức như tuân thủ, pháp lý, công nghệ thông tin, quản lý hoạt động và tài chính. Các KTV luôn phải đóng vai trò là người đặt câu hỏi và là cố vấn đáng tin cậy cho tổ chức khi cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến ESG.

Đánh giá quy trình để đảm bảo thông tin đáng tin cậy và nhất quán
IIA nhấn mạnh rằng, các KTV phải tự hỏi “dữ liệu có phù hợp không?” trước khi hỏi “dữ liệu có đúng không?”. Bất kể dữ liệu thu được là gì, KTNB cũng phải cung cấp một bản báo cáo ESG đầy đủ cho tổ chức và các bên liên quan, đồng thời đảm bảo đây là báo cáo chính xác. Điều này đồng nghĩa với việc KTNB luôn phải đảm bảo tính chính xác, tính xác thực và khả năng xác minh dữ liệu ESG.
Việc thực hiện vai trò đảm bảo của KTNB không phải là kiểm toán liên tục các số liệu và thống kê đã báo cáo trước đây, mà là tập trung vào các thủ tục, quy trình và tài liệu được thiết lập với mục đích công bố thông tin.Về bản chất, KTNB đánh giá quy trình tạo nên dữ liệu và trả lời câu hỏi quy trình này có đủ khả năng tạo ra dữ liệu đáng tin cậy, có thể xác minh và nhất quán không?Cung cấp sự đảm bảo về quy trình sẽ giúp tổ chức tránh được các lỗi báo cáo trong tương lai và định vị hoạt động KTNB để gia tăng giá trị cho tổ chức và thực sự tạo ra sự khác biệt.
Nhìn chung, KTNB sẽ không dễ dàng trong việc thực hiện chức năng đảm bảo khi thời gian để thu thập dữ liệu, đánh giá hoạt động nội bộ và báo cáo rất eo hẹp.Vì vậy, cách làm phù hợp nhất là KTV thực hiện đánh giá rủi ro trên dữ liệu đã được báo cáo.Không phải tất cả các thông tin đều được tạo ra như nhau và một số thông tin sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tổ chức hơn so với các thông tin khác.Vì vậy, trong khoảng thời gian có hạn, KTV tập trung vào các thông tin ESG có rủi ro cao và báo cáo kết quả đánh giá rủi ro với tổ chức.Hành động này sẽ tạo ra các cuộc đối thoại thú vị và có giá trị, đồng thời có thể khiến tổ chức có cái nhìn rõ ràng hơn về ESG.
IIA cũng khuyến nghị thêm rằng, để kiểm soát thông tin một cách hiệu quả, KTV có thể xem xét những lĩnh vực mà tổ chứcít chú ý đến, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và áp lực pháp lý đối với việc công bố thông tin về các vấn đề khí hậu.Thông thường, các tổ chức không dành sự quan tâm một cách đầy đủ, đồng đều ở cả ba khía cạnh xã hội, quản trị và môi trường. Vì vậy, KTV cần cố gắng tìm hiểu và sáng tạo hơn khi tiếp cận các khía cạnh này để xác định trước những rủi ro có thể xảy ra và cách ứng phó phù hợp./.

THÙY LÊ