Hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty lắp máy Việt Nam năm 2012: Kỳ I Trong khó khăn doanh thu vẫn tăng trưởng

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:45, 14/01/2016

(BKTO) - Kết quả kiểm toán tại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (TCT Lilama) và 14 đơn vị thành viên cho thấy, năm 2012, các đơn vị đã có nhiều cố gắng trong tìm kiếm thêm các hợp đồng xây lắp và mở rộng thị trường, song tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh thu của TCT Lilama vẫn tăng trưởng so với năm 2011 đó là nhờ vào các hợp đồng đã được ký trước đó.



Công ty cổ phần Lilama 18 là đơn vị đạt lợi nhuận cao nhất của TCT Lilama. Ảnh: TK

12/15 đơn vị kinh doanh có lãi

Theo Báo cáo kiểm toán, tổng doanh thu, thu nhập năm 2012 của TCT Lilama đạt trên 15,3 nghìn tỷ đồng, gồm doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trên 14,9 nghìn tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính 280,9 tỷ đồng và thu nhập khác 68 tỷ đồng. Nhìn chung, các đơn vị quản lý doanh thu, thu nhập theo từng lĩnh vực kinh doanh, việc xác định doanh thu cơ bản theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực quy định.

Tại Công ty mẹ và 14 công ty con, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của TCT đạt lợi nhuận sau thuế là 64.704 triệu đồng, 12 đơn vị kinh doanh có lãi, trong đó đơn vị đạt lợi nhuận cao nhất là Công ty cổ phần Lilama 18, đạt 39.852 triệu đồng; 3 đơn vị kinh doanh chưa hiệu quả, trong đó Công ty cổ phần Lissemco lỗ nhiều nhất với số tiền hơn 9,8 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp/doanh thu thuần đạt 0,63%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/doanh thu thuần đạt 0,43%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn đầu tư chủ sở hữu là 16,2%, trong đó đơn vị có tỷ suất lợi nhuận cao nhất là Công ty cổ phần Lilama 18 đạt 49,5%, đơn vị có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất là công ty cổ phần Lilama 3 (-9,06%); tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư chủ sở hữu là 11,4%.

Đánh giá về khả năng bảo toàn, phát triển nguồn vốn chủ sở hữu, theo tính toán của KTNN, hệ số bảo toàn nguồn vốn chủ sở hữu (trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính) là 1,54 lần, cho thấy TCT bảo toàn được vốn kinh doanh.

Còn những khó khăn tiềm ẩn

Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của công ty mẹ và các thành viên trong việc khắc phục khó khăn, đảm bảo tăng doanh thu, bảo toàn vốn kinh doanh, trên cơ sở số liệu kiểm toán, KTNN cũng chỉ ra những bất cập, khó khăn tiềm ẩn trong công tác quản lý nguồn vốn và trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT. Cụ thể, với chỉ số về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn là 0,95 lần, KTNN đánh giá TCT không đủ khả năng trả nợ ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2012. Trong khi đó, các khoản nợ phải thu của TCT chiếm tỷ trọng lớn với 30,3% tổng tài sản (4.376.298 triệu đồng/14.403.520 triệu đồng), trong đó nợ phải thu quá hạn từ 1-3 năm và trên 3 năm là 482.360 triệu đồng đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và là nguyên nhân khiến doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu vốn phải vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Theo số liệu kiểm toán, hệ số nợ phải trả/tổng tài sản của TCT là 0,93%, cho thấy tài sản của đơn vị hình thành chủ yếu bằng vốn vay và các khoản nợ chậm thanh toán. Hệ số vốn tự có trong đó nguồn vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn là 7,1%, tỷ lệ vốn Nhà nước/tổng nguồn vốn là 2,6%, cho thấy nguồn vốn chủ sở hữu rất nhỏ so với tổng nguồn vốn.

Phân tích về nghịch lý trên, KTNN nhận định, việc thực hiện các chủ trương giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của TCT như: nhiều công trình của Nhà nước và các tập đoàn kinh tế do TCT thi công không được giải ngân vốn đầu tư đúng hạn, dẫn đến số nợ phải thu của khách hàng lớn. Để duy trì sản xuất TCT đã phải vay vốn ngân hàng với lãi suất 12-15%/năm, làm tăng chi phí lãi vay, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người lao động.

Trong công tác quản lý chi phí, một bất cập nổi lên là việc tồn tại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang diễn ra tại một số đơn vị thuộc TCT. Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán, một số công trình của Công ty cổ phần Lilama 45.1 đã hết doanh thu so với hợp đồng đã ký nhưng còn chi phí dở dang trên tài khoản số tiền 155.764 triệu đồng song chưa xác định nguyên nhân và trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định. Tương tự khoản chi phí dở dang thi công Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng của Công ty mẹ phát sinh từ năm 2007 đến thời điểm 31/12/2012 là 501.481 triệu đồng, đến thời điểm kiểm toán, các bên liên quan mới đang tiến hành xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng rà soát, xác định rõ các khoản chi phí phát sinh thực tế được kiểm toán xác nhận.

Từ kết quả kiểm toán trên, KTNN kiến nghị TCT chỉ đạo các đơn vị tăng cường thu hồi công nợ và đối chiếu các khoản nợ phải thu với khách hàng. Đồng thời, KTNN đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng có biện pháp chỉ đạo cơ quan thanh tra của Bộ kiểm tra toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến số dư tài khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đã hết doanh thu theo hợp đồng của Công ty cổ phần Lilama 45.1 để thống nhất phương án xử lý; chỉ đạo TCT Lilama phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, xác định rõ từng khoản chi phí phát sinh thực tế của Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(Kỳ sau đăng tiếp)
NGUYỄN HỒNG