Đầu tư hai dự án đường vành đai: Tạo không gian phát triển mới

Chính trị - Ngày đăng : 05:35, 11/06/2022

(BKTO) – Đồng thuận và đánh giá cao quyết tâm đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM, các đại biểu đề nghị Quốc hội có các cơ chế đặc biệt, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện hai dự án này, nhằm tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.


                
   

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 10/6. Ảnh: VPQH

   

Cần bố trí đủ vốn và áp dụng cơ chế đặc biệt

Sáng 10/6, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.

Qua thảo luận, các đại biểu khẳng định, đây là hai dự án có tính đột phá chiến lược nhằm tháo điểm nghẽn của hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của Vùng Thủ đô và vùng TP. HCM. Các dự án này sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, góp phần giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP. Hà Nội) cho rằng, đây là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch… Cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý nhằm đảm bảo các dự án được triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả.
                
   

Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Theo đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn TP. Hà Nội) trong ngắn hạn, các dự án này tạo cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo doanh thu, tạo việc làm cho người lao động. Về dài hạn, hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội thông qua các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cần có các cơ chế đặc biệt, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, nếu cần thiết có thể phát hành trái phiếu để thu hút nguồn lực xã hội.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn cho các dự án. Đồng thời, trong giải phóng mặt bằng, để bảo đảm tiến độ của 2 dự án, đại biểu đề nghị trong phân cấp, phân quyền, khi thành lập khung chính sách nên nghiên cứu để giai đoạn từ lúc địa phương lập khung chính sách giải phóng mặt bằng đến lúc trình Thủ tướng Chính phủ cần được tiến hành nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.

Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn TP. Hà Nội) đề nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP. Hà Nội và TP. HCM tại dự thảo Nghị quyết của các dự án, khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hoài Trung (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm,…. Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn như thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật cho các đơn vị, địa phương. Đặc biệt, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra với sự tham gia của cơ quan kiểm toán, công an nhằm giảm bớt sai sót không cần thiết.

Khai thác hiệu quả không gian mới xung quanh đường vành đai

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, khu đô thị xung quanh các đường vành đai, nhằm tạo không gian phát triển mới xung quanh các đường vành đai cao tốc. Đại biểu Nguyễn Phi Thường lưu ý, cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistics, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cũng đề nghị, trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có. Đồng thời, cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân; trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, DN.
                
   

Đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đặc biệt, theo đại biểu, hai tuyến đường vành đai sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, vì vậy cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây dựng đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) phân tích, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP. HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác, bởi đây là cao tốc của vành đai. Vì vậy khi hai tuyến đường này hình thành, các vùng lân cận quanh tuyến đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối… Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng.

Đại biểu cho biết thêm, thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về chủ trương đầu tư tuyến đường này thì giá đất ở khu vực này đã tăng lên rất nhiều lần.

Theo đại biểu Cường, nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này. Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực. “Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát” – đại biểu Cường nói.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng đã đến lúc phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông, đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Theo đại biểu, lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này, nên mất đi một nguồn lực quan trọng đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần triển khai song hành việc triển khai dự án và xây dựng các dự án liên kết để khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này; đặc biệt là khu công nghiệp, khu đô thị và những khu đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô để thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường./.
ĐĂNG KHOA