Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): Nguyên tắc xử lý trùng lặp, chồng chéo phải thống nhất với Luật Kiểm toán nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 14/06/2022

(BKTO) – Chiều 13/6, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần chỉnh lý quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán trong dự thảo Luật, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật KTNN.


                
   

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) nêu rõ, theo khoản 1 Điều 52 dự thảo Luật quy định về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động KTNN thì cơ quan thanh tra, cơ quan KTNN trao đổi thống nhất để một cơ quan thực hiện. Trường hợp không thống nhất thì được cơ quan đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện.

“Quy định nêu trên là chưa thống nhất với quy định tại khoản 3 Điều 64a của Luật KTNN quy định khi xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm. Theo đó, KTNN trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo; không có quy định về việc không thống nhất được thì cơ quan nào đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Do đó đề nghị chỉnh lý lại quy định này để đảm bảo với Luật KTNN” – đại biểu Hằng phát biểu.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị, cần thiết phải có quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp do hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, đặt trong sự thống nhất với quy định của Luật KTNN nhằm khắc phục, tiến tới không còn tình trạng chồng kéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) thì cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong bộ máy nhà nước để có thể sử dụng những kết quả của nhau, đặc biệt là thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, để làm sao cơ quan thanh tra, kiểm tra khi đến các đơn vị là đã nắm được số liệu cũng như kết luận của các cơ quan đã có trước.

“Cần quy định những nguyên tắc để các cơ quan đến sau phải chấp nhận theo những kết quả các cơ quan khác đã đưa ra. Còn họ được đi sâu vào lĩnh vực này, làm thêm lĩnh vực khác, đưa ra những quyết định khác thì chúng ta cũng cần phải chế định rõ trong các quy định trong luật cũng như văn bản khác, để đảm bảo rằng công tác thanh tra, kiểm tra vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN trong việc tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh” – đại biểu Lộc nêu quan điểm.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) dự thảo Luật mới chỉ quy định về xử lý phối hợp chồng chéo với KTNN trong việc lựa chọn tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua còn có sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán trong việc thanh tra lại các vụ việc đã được thanh tra hoặc kiểm toán trước đó, gây nhiều khó khăn, bức xúc cho các đối tượng được thanh tra, kiểm toán.
                
   

Quang cảnh phiên họp chiều 13/6. Ảnh: VPQH

   

Đại biểu đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn trong việc phối hợp giữa các cơ quan thanh tra và giữa cơ quan thanh tra với cơ quan KTNN, từ quá trình xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, nhất là việc xử lý đối với những vấn đề còn chưa thống nhất giữa kết luận thanh tra và kết luận của kiểm toán để giảm bớt khó khăn, phiền hà cho các đối tượng được thanh tra, kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán tại các địa phương.

Nhấn mạnh việc bổ sung cơ chế để bảo đảm không có sự chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán trong dự thảo Luật là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Huy Khánh (Đoàn Bình Dương) cho rằng, để bảo đảm thực hiện đúng như nguyên tắc được thể hiện tại Điều 107 dự thảo Luật đó là một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ có thể là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc kiểm toán thì Điều 52 dự thảo Luật chưa chặt chẽ và chưa giải quyết được theo hướng này.

Đại biểu phân tích, Điều 52 quy định: "Hai cơ quan thỏa thuận, trao đổi với nhau, nếu không thỏa thuận được thì cơ quan nào đến trước sẽ tiếp tục tiến hành". Quy định như vậy là không bảo đảm được nguyên tắc, bởi để bảo đảm nguyên tắc trên thì phải được tiến hành sớm hơn từ khi xây dựng kế hoạch của hai cơ quan.

“Theo tờ trình và giải trình của cơ quan soạn thảo thì giữa hai cơ quan đã có quy chế phối hợp, vậy phải giải quyết ngay từ khâu trước khi vào đơn vị, tổ chức thanh tra chứ không phải ai đến trước làm trước mà vấn đề đến trước làm trước lại thực hiện sau khi trao đổi không thành. Tôi cho rằng quy định như vậy không khả thi” – đại biểu Vũ Huy Khánh nêu quan điểm.

Trước đó, thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật về xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra trong quá trình xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra; đồng thời, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về xử lý chồng chéo với hoạt động kiểm toán để thống nhất với quy định của Luật KTNN./.

Đ. KHOA