Quy định cụ thể, rõ ràng để thu hút nguồn lực xã hội hóa lĩnh vực khám, chữa bệnh

Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 14/06/2022

(BKTO) – Tại phiên thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong công tác xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh và đề nghị, cần quy định cụ thể, rõ ràng ngay trong Luật về vấn đề xã hội hóa trong y tế, có hướng dẫn về tự chủ trong y tế... nhằm tạo cơ chế thu hút nguồn lực xã hội cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.


                
   

Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: VPQH

   
Kết quả tích cực nhưng phát sinh nhiều bất cập

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) khẳng định xã hội hóa, liên doanh, liên kết giữa các cơ sở y tế công lập với các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế.

Thực tiễn đã chứng minh sau một thời gian triển khai, chính sách này đã đi vào cuộc sống và mang đến nhiều kết quả tích cực. Nhờ việc triển khai kỹ thuật cao và áp dụng các trang thiết bị hiện đại đã giúp góp phần đáng kể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp cho người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao ngay trong nước mà không cần phải ra nước ngoài.

Với việc triển khai chính sách này, ngay cả các bệnh viện tuyến dưới cũng đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao hiện đại, giúp người dân được thụ hưởng ngay tại địa phương, cơ sở mà không phải chuyển tuyến, vượt tuyến lên trên.
                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đại biểu cũng chỉ ra, quá trình triển khai chủ trương này cũng nảy sinh nhiều bất cập. Đó là tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm và lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cần thiết đối với những máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và Quỹ Bảo hiểm y tế.

Đáng lưu ý, do thiếu quy hoạch rõ ràng nên đang có sự mất cân đối rất lớn trong huy động nguồn lực. Xã hội hóa, liên doanh, liên kết chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi. Trong khi đó ở những cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là ở những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn rất cần xã hội hóa thì lại không thể xã hội hóa được, dẫn tới thiệt thòi cho bệnh nhân ở khu vực này.

Đặc biệt, theo đại biểu, qua theo dõi các vụ án vừa qua trong lĩnh vực y tế cho thấy, việc thổi giá không chỉ được phát hiện trong các dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn được phát hiện cả trong việc triển khai các đề án xã hội hóa, liên doanh, liên kết hợp tác đặt máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập.

“Có thể lấy ví dụ điển hình như là vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp hơn 5 lần giá trị thực từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng và đã làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này” – đại biểu Thủy dẫn chứng.

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) cũng cho rằng, có nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua như khó khăn về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; khó khăn về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; khó khăn liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh, liên kết; khó khăn liên quan đến thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết. Vì vậy, trong thời gian qua có tình trạng lạm dụng các chi phí xét nghiệm, chi phí liên quan đến người bệnh trong sử dụng tài sản liên doanh, liên kết.

Theo các đại biểu, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có nhiều, song một trong những nguyên nhân quan trọng là do hành lang pháp lý lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng, dẫn đến vừa khó khăn cho các bệnh viện trong triển khai, vừa dễ rủi ro cho cả bệnh viện lẫn đơn vị tư nhân tham gia và nhất là dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích gây thiệt hại cho bệnh nhân và gây thiệt hại cho Nhà nước.

Quy định còn chung chung, mang tính chủ trương

Theo các đại biểu, để khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế, phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, nghiên cứu dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận xét, dự thảo Luật chỉ có duy nhất Điều 90 quy định về xã hội hóa liên doanh, liên kết,với những quy định còn chung chung, chưa thể giải quyết được những bất cập phát sinh đồng thời tạo cơ chế rõ ràng nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa.

Cụ thể, Điều 90 Dự thảo luật quy định: Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh, khuyến khích huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh. Hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
                
   

Đại biểu Phạm Như Hiệp phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

   

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy thắng thắn nhận xét, việc chỉ quy định “mang tính chủ trương” như trên là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Với những khó khăn, vướng mắc trong xã hội hóa liên doanh, liên kết lĩnh vực y tế do pháp luật thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, vốn đã kéo dài trong nhiều năm và ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đại biểu cho rằng, các nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung thật cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Cho rằng, nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, nếu ban hành những quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có được hệ thống trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho bệnh nhân và lợi ích cho nền y tế nước nhà, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật những nguyên tắc, yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, bổ sung các cơ chế kiểm soát nhằm chống sự biến tướng, lợi ích nhóm; bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, các điều khoản trong Dự thảo chưa thể chế hóa được đầy đủ chủ trương về thực hiện xã hội hóa các dịch vụ khám, chữa bệnh. Các nội dung còn chung chung, chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập; chưa cụ thể hóa được các chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân; chưa có sự phân tách giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn để thu hút các DN, tổ chức, cá nhân vào vùng khó khăn để khuyến khích xã hội hóa.

Do vậy, đại biểu đề nghị, cần rà soát và bổ sung thêm các nội dung nhằm đồng bộ, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập để thể hiện được chủ trương, quan điểm của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công - tư, bảo đảm minh bạch, công khai, cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt công - tư trong cung cấp dịch vụ y tế…”

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Đoàn Thừa Thiên Huế) chỉ rõ, khoản 3, Điều 90 dự thảo Luật quy định: Hoạt động liên doanh, liên kết, thuê dịch vụ hoặc cho thuê dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Theo đại biểu, điều này cần phân tích cụ thể hơn để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở y tế hoạt động. Theo đó, người đứng đầu bệnh viện phải có kiến thức quản lý hoạt động liên kết như thế nào phù hợp, phải làm thế nào để có sự giám sát, kiểm tra và việc đánh giá trong từng giai đoạn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư. Có như vậy, hoạt động liên doanh, liên kết mới phát triển được./.

Đ. KHOA