10 năm Báo Kiểm toán: Thành tựu và những yêu cầu đặt ra

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:20, 16/06/2022

(BKTO) - Tròn 10 năm, Tạp chí Kiểm toán chuyển đổi thành Báo Kiểm toán. 10 năm qua, Báo Kiểm toán đã đưa thông tin về hoạt động của KTNN đến các cơ quan nhà nước, đến độc giả và công chúng. Qua đó, độc giả, công chúng và các cơ quan nhà nước có điều kiện tiếp cận đầy đủ hơn về hoạt động của KTNN và thiết chế KTNN. Có thể nói, đây là thành công lớn trong quá trình phát triển của KTNN nói chung và Báo Kiểm toán nói riêng. Đó là đóng góp của Báo Kiểm toán trong sự nghiệp phát triển KTNN.



Tập thể công chức, viên chức, người lao động Báo Kiểm toán (tháng 7/2019). Ảnh tư liệu
Báo Kiểm toán là một trong những kênh thông tin quan trọng để các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp cũng như công chúng, cử tri cả nước hiểu hơn về hoạt động và kết quả kiểm toán của KTNN. Các đơn vị được kiểm toán thông qua Báo Kiểm toán cũng hiểu hơn về hoạt động kiểm toán. Báo Kiểm toán đã ngày càng được nhiều độc giả biết đến và từ đó hiểu rõ hơn về thiết chế KTNN. Nếu như 10 năm trước đây, nhiều người không biết cơ quan KTNN thế nào, hoạt động KTNN ra sao thì sau 10 năm, đông đảo nhân dân đã biết đến KTNN thông qua Báo Kiểm toán cũng như các kênh thông tin truyền thông khác. Có thể nói, đây là thành công lớn của Báo Kiểm toán.

Theo thông lệ quốc tế, sức mạnh của cơ quan kiểm toán là thông qua sức mạnh của truyền thông, báo chí với sự công khai, minh bạch về hoạt động và kết quả kiểm toán. Báo Kiểm toán có lợi thế rất lớn là luôn gắn với hoạt động KTNN cũng như tiếp cận sớm nhất với kết quả kiểm toán. Báo nên khai thác, cập nhật để phát huy thế mạnh của mình. Đây là vấn đề đặt ra trước mắt cũng như trong chiến lược dài hạn của Báo Kiểm toán.

Theo đó, trước hết, Báo Kiểm toán phải có một đội ngũ phóng viên tinh thông nghề nghiệp, không chỉ tinh thông nghề nghiệp báo chí mà phải hiểu biết nghề nghiệp, hoạt động kiểm toán. Một vấn đề trong báo cáo kiểm toán có thể khai thác thành một đề tài, một chủ đề, một tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cơ chế phát triển nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cũng như cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho việc phát huy cơ chế nguồn nhân lực. Việc đó đòi hỏi Nhà nước cũng như Tổng Kiểm toán nhà nước, các đơn vị chuyên môn của KTNN cùng góp sức với Báo.

Thứ hai, các tác phẩm báo chí phản ánh kết quả kiểm toán phải là những góc nhìn của nhà báo hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán tài chính công, tài sản công chứ không đơn thuần chỉ là tóm tắt báo cáo kiểm toán. Chúng ta phải tách bạch giữa góc nhìn báo chí và góc nhìn chuyên môn của kiểm toán viên. Nếu làm được điều này thì giá trị của hoạt động kiểm toán cũng như tác phẩm báo chí sẽ được nâng lên. Báo Kiểm toán cần đặt vấn đề này thành một trọng tâm để phát triển.

Thứ ba, trong điều kiện tự chủ hoạt động như hiện nay, đội ngũ cộng tác viên tại các KTNN chuyên ngành, khu vực là rất quan trọng đối với Báo Kiểm toán. Đội ngũ này có đầy đủ thông tin, thậm chí có đầy đủ góc nhìn và có thể thể hiện thông tin của họ thành tác phẩm báo chí. Do vậy, cần có cơ chế để đội ngũ này chung tay phát triển Báo Kiểm toán. Báo cần xây dựng cơ chế khuyến khích cộng tác viên; đồng thời có thể tổ chức các hội nghị chuyên đề, các buổi tập huấn về cách làm báo để kiểm toán viên biết cách thể hiện ý tưởng thành bài báo.

Thứ tư, Báo Kiểm toán cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong hoạt động nhưng trước hết, phải hiểu đúng về cơ chế này. Tự chủ không có nghĩa là cơ quan báo chí phải tự lo kinh phí hoạt động như cách diễn giải hiện nay. Nếu để báo phải tự lo thì dễ dẫn đến tình trạng cơ quan báo chí vì phải lo thu hút quảng cáo để có nguồn thu mà thương mại hóa các sản phẩm báo chí. Cần chuyển đổi sang hình thức Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ nếu đó là phục vụ cho hoạt động của Nhà nước. Song song với đó, Báo cần nâng cao chất lượng bài viết và thông tin trên báo để thu hút đông đảo độc giả, công chúng và qua đó nâng cao số lượng phát hành báo, tạo nguồn thu cho hoạt động của Báo.

Cần hiểu rằng, tự chủ nghĩa là Báo phải được độc lập hoạt động và các nguồn lực NSNN phải thể hiện thông qua cơ chế đặt hàng, cơ chế giao nhiệm vụ chứ không phải cơ chế giao dự toán như một cơ quan hành chính. Khi chuyển đổi được như vậy thì chúng ta mới có điều kiện thu hút nguồn nhân lực, có điều kiện đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật phục vụ phát triển Báo, có đủ nguồn lực để trả lương cho các nhà báo, đủ nguồn lực để động viên cộng tác viên thông qua nhuận bút. Điều quan trọng nhất là khi phát triển được cơ chế tự chủ, chúng ta sẽ không bị phụ thuộc vào hoạt động quảng cáo và sẽ tách bạch được hoạt động này, quảng cáo chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động báo chí, nó không phải là nguồn thu chính thì Báo mới thành công. Đối với Báo Kiểm toán, đây là cơ chế quan trọng cần thiết và cần huy động đội ngũ chuyên gia để xây dựng. Bởi hoạt động của Báo có sứ mệnh quan trọng là chuyển tải thông tin hoạt động KTNN và kết quả kiểm toán của KTNN đến các cơ quan nhà nước, độc giả và công chúng, qua đó sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ năm, Báo Kiểm toán phải đặt ra tầm nhìn trung hạn và dài hạn từ sứ mệnh của mình. Sứ mệnh đó là chuyển tải thông tin về hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán của KTNN đến các cơ quan nhà nước cũng như đến công chúng, dư luận. Từ sứ mệnh ấy, chúng ta đặt ra tầm nhìn để phát triển cơ chế, nguồn nhân lực và đội ngũ cộng tác viên; đồng thời định hướng nội dung cũng như cách thức chuyển tải thông tin. Mỗi năm, KTNN thực hiện khoảng gần 300 cuộc kiểm toán. Đây là một nguồn thông tin rất dồi dào, vấn đề đặt ra là cách thức khai thác, chuyển tải thông tin như thế nào trong tác phẩm báo chí. Thay vì tóm tắt báo cáo kiểm toán để đưa lên Báo, phóng viên phải “biến” thông tin khai thác được từ báo cáo kiểm toán thành tác phẩm báo chí của mình. Đó là điều mà tôi và có lẽ là nhiều độc giả khác rất trăn trở và kỳ vọng. Khi hiểu được sứ mệnh và xác định tầm nhìn thì Báo Kiểm toán sẽ tạo ra được giá trị cốt lõi trong 5 năm, 10 năm hoặc lâu dài hơn nữa.
         
“Đối với Báo Kiểm toán, tự chủ là phải được độc lập hoạt động và các nguồn lực phải thể hiện thông qua cơ chế đặt hàng, cơ chế giao nhiệm vụ chứ không phải cơ chế giao dự toán như cơ quan hành chính”.

TS. LÊ ĐÌNH THĂNG - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN