Thiếu hụt lao động đe dọa nhiều nền kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 17:05, 16/06/2022

(BKTO)- Thiếu hụt nguồn lao động đang trở thành thách thức lớn cho sự phục hồi kinh tế tại một số quốc gia. Các rào cản về chính sách trong thời gian đại dịch và lo lắng về an toàn sức khỏe cá nhân được xem là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.


Thiếu hụt lao động tại Anh có thể kéo dài 3-5 năm
                
   

Lượng việc làm còn trống đã tăng lên mức kỷ lục 1,3 triệu tại Anh - Nguồn: CNBC

   

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đại dịch COVID-19 bùng phát đã "giáng một đòn mạnh" đối với thị trường lao động, gây ra tình trạng thiếu nhân công lớn nhất trong nhiều năm tới.

Dữ liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) Anh, công bố ngày 14/6, cho thấy lượng việc làm còn trống đã tăng lên mức kỷ lục, là 1,3 triệu, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2022, tăng 500.000 so với trước đại dịch. Con số này đã liên tiếp lập kỷ lục kể từ 6 tháng cuối năm 2021. Trong quý đầu tiên của năm 2022, lần đầu tiên kể từ khi ONS theo dõi con số này, số người thất nghiệp ít hơn so với việc làm còn trống trên khắp nước Anh.

Giáo sư Donald Houston thuộc Đại học Portsmouthcho biết các nhà tuyển dụng Anh đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tuyển đủ lao động, kéo theo những xáo trộn tại sân bay hay nhiều chuyến bay bị hủy hàng loạt trong kỳ nghỉ lễ.Giáo sư Houston nhận định do các vấn đề dài hạn, nên Anh sẽ cần 3-5 năm nữa mới có thể tuyển đủ lao động.

Tình trạng thiếu nhân công tại Anh càng trở nên rõ ràng khi nước này dỡ bỏ việc phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều người đã phải nghỉ việc sớm do mắc hội chứng COVID-19 kéo dài. Ước tính, Anh mất khoảng 100.000 lao động châu Âu so với thời kỳ trước đại dịch. Đầu tháng này, khảo sát của ONS cho thấy khoảng 2 triệu người ở Anh mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.

Malaysia đứng trước khủng hoảng thiếu nhân công
                
   

Malaysia đang thiếu khoảng1,2 triệu công nhân- Nguồn: AFP

   

Hiện nay, do tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư tăng cao, các công ty Malaysia từ đồn điền dầu cọ đến nhà sản xuất chất bán dẫn đều từ chối đơn đặt hàng trị giá hàng tỷ USD, và hệ quả đang đe dọa đến tốc độ phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Tại Malaysia, doanh thu từ các nhà sản xuất chiếm gần 1/4 nền kinh tế đất nước, nhưng khi tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng thì tình trạng thiếu nhân công lại kéo dài. Các nhà sản xuất tại quốc gia này đang lo sợ mất khách hàng vào tay các quốc gia khác.

Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia Soh Thian Lai, đại diện cho hơn 3.500 công ty cho biết, mặc dù có sự lạc quan hơn về triển vọng và sự gia tăng doanh số, một số công ty bị cản trở nghiêm trọng trong khả năng đáp ứng các đơn đặt hàng. Theo dữ liệu, Malaysia hiện nay đang thiếu ít nhất 1,2 triệu công nhân trong lĩnh vực sản xuất, đồn điền và xây dựng, tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng hơn khi nhu cầu tăng lên cùng với sự giảm bớt của đại dịch.

Báo cáo từ các nhà sản xuất cho thấy, họ đang thiếu 600.000 công nhân, xây dựng cần 550.000, ngành dầu cọ thiếu 120.000 công nhân, các nhà sản xuất chip thiếu 15.000, vì vậy không thể đáp ứng nhu cầu mặc dù thiếu chip toàn cầu và các nhà sản xuất găng tay y tế cho biết họ cần 12.000 công nhân. Theo dữ liệu từ S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng của Malaysia đã giảm xuống từ mức 51,6 trong tháng 4 còn 50,1 trong tháng 5, hầu như không tiếp tục mở rộng, do lĩnh vực này giảm nhiều việc làm nhất kể từ tháng 8 năm 2020.

Tại lĩnh vực sản xuất chip, các nhà sản xuất đang phải từ chối các đơn hàng từ khách hàng do lo ngại không thể đáp ứng đủ và trả đúng hạn. Mặc dù người dân địa phương đã thử làm công việc này, nhưng đa số đều không quan tâm và nhiều người đã nghỉ việc sau chưa đầy nửa năm.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dầu cọ đóng góp 5% cho nền kinh tế Malaysia, cảnh báo 3 triệu tấn hoa màu có thể bị mất trong năm nay do trái cây bị hỏng, nghĩa là tổng thiệt hại lên tới hơn 4 tỷ USD. Ngành sản xuất găng tay cao su ước tính sẽ mất 700 triệu USD doanh thu trong năm nay. Đây đều là những ngành sản xuất trọng điểm của Malaysia, do đó, nếu tình trạng thiếu hụt nhân công kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Australiathiếu lao động lành nghề ở nhiều lĩnh vực
                
   

Số lượng lao động nước ngoài tay nghề cao của Australia đang thiếu hụt -Nguồn: AFP

   

Kể từ đầu năm nay, cho dù Australia đã mở cửa trở lại với thế giới sau thời gian dài đóng cửa vì dịch COVID-19, số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào nước này vẫn rất ít.

So với một thập niên trước, số lượng lao động lành nghề nước ngoài hiện có tại Australia đã suy giảm một nửa. Các số liệu chính thức của Australia chỉ ra rằng, trong tháng 4 vừa qua, số lượng lao động nước ngoài có tay nghề cao rời Australia đã vượt quá số lượng lao động tay nghề cao mới đến nước này. Theo đó, có 8.970 lao động nước ngoài có tay nghề cao đến Australia, nhưng 9.230 người đã rời khỏi nước này.

Bên cạnh đó, số lượng người có thị thực bắc cầu (những người đang ở Australia nhưng đã hết hạn thị thực cũ và đang trong quá trình chờ được cấp thị thực mới) đã tăng lên trên 300.000 người trong vòng một thập niên qua. Đây là thước đo cho thấy số người đang ở giai đoạn chờ cấp thị thực tăng lên, đồng nghĩa với việc quá trình xử lý hồ sơ kéo dài hơn.

Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Australia (Austrade) Andrew McKellar cho biết, các nhà tuyển dụng đang báo cáo về những rào cản đáng kể trong việc tìm kiếm lao động nước ngoài có tay nghề cao. Ông McKellar lưu ý, sự chậm trễ trong việc cấp thị thực cho lao động nước ngoài đã khiến nhiều doanh nghiệp nội địa buộc phải đóng cửa vì không đủ nhân viên, và do đó không có khả năng duy trì hoạt động.

Bên cạnh đó, vấn đề chi phí thị thực quá tốn kém cũng khiến nhiều doanh nghiệp Australia phàn nàn. Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Australia Innes Willox cho biết, các nhà tuyển dụng có thể phải trả tới 25.000 AUD (17.500 USD) để nhận được thị thực cho một công nhân lành nghề nước ngoài. Khoản chi phí này lớn hơn gấp đôi so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt lao động địa phương, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn phải chi trả khoản tiền nói trên để có thể tuyển dụng được lao động nước ngoài.

Dự kiến, vào tháng 9 tới, Australia sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc để bàn thảo và thông qua Sách Trắng về phát triển kỹ năng lao động, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt người lao động lành nghề.

NAM SƠN (Tổng hợp)