Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chính trị - Ngày đăng : 19:05, 18/06/2022

(BKTO) - Để chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cần được tăng cường hơn nữa.


                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: mattran.org.vn

   

Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” tại Lạng Sơn, chiều 17/6 .

Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp các các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bộ, ngành liên quan từng bước hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, sửa đổi, bổ sung 4 quy chế và 13 chương trình phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác mặt trận, trong đó có hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn tổ chức mặt trận các cấp vùng đồng bào DTTS và miền núi phối hợp tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, tham gia các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS; động viên các tầng lớp nhân dân tăng cường công tác giám sát các chương trình, dự án đang triển khai ở khu dân cư, phát huy vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân.

Đặc biệt, quan tâm hoạt động giám sát việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở nơi đồng bào trực tiếp được thụ hưởng theo mục tiêu của Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa), Chương trình 134 (Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn)và Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương vùng đồng bào DTTS,… các chính sách lớn được triển khai thực hiện ở vùng DTTS như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên cho đến nay, vùng đồng bào DTTS vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Tỷ lệ nghèo cao gấp nhiều lần mức bình quân chung, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn rộng. Văn hóa truyền thống của một số dân tộc đang bị mai một. Tình trạng tội phạm và các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa ổn định xã hội.

Do đó, Hội thảo là cơ hội, điều kiện để các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam bám sát yêu cầu đặt ra, đặc biệt là gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS, miền núi.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện và đề xuất những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới./.
THÙY LÊ