Nhiều rào cản hạn chế doanh nghiệp tham gia vào các dự án hợp tác công tư
Kinh tế - Ngày đăng : 22:51, 22/06/2022
(BKTO) - Sau hơn 1 năm triển khai thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khiến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa mặn mà tham gia vào các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP.
Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm“Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam”, do Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 21/6.
Quang cảnh Tọađàm.Ảnh: D.THIỆN |
Còn nhiều vướng mắc, bất cập
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cho biết, thời gian qua, các dự án hạ tầng giao thông được xây dựng theo phương thức PPP đã góp phần làm thay đổi diện mạo giao thông đường bộ ở Việt Nam, giúp giảm thời gian di chuyển giữa các địa phương và thúc đẩykết nối kinh tế giữa cácđịa phương, các vùng trong cả nước…
Đặc biệt, Luật Đầu tư theo phương thức PPP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 được kỳ vọng sẽ tạoniềm tin cho các nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác công tư một cách bền vững hơn. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai thi hành Luật cho thấy vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Chỉ ra một số bất cập của Luật, PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, một số quy định trong Luật vẫn chưa bám sát điều kiện thực tế.
Đơn cử như về vấn đề vốn, Luật quy định tỷ lệ góp vốn của Nhà nước không quá 50%, mà nguồn vốn này chủ yếu dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án và một phần kinh phí dành cho đầu tư xây dựng tuyến đường.
Tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP được quy định “cứng” như vậy đã khiến nhiều dự án đường cao tốc đi qua nhữngvùng sâu, vùng xa, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn phức tạp và lưu lượng xe thấp không mời gọi được nhà đầu tư tham gia.
Bên cạnh đó là vướng mắc về nguồn huy động vốn của nhà đầu tư. Thời gian qua, nguồn vốn của nhà đầu tư huy động cho các dự án PPP chỉ mặc định từ kênh tín dụng của các ngân hàng thương mại, trong khi các ngân hàng thương mại đều không mặn mà cho vay.
Trong khi đó, ở các nước phát triển, vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông thường đến từ nhiều nguồn như: vốn phát hành trái phiếu dự án, vốn vay từ các định chế tài chính hoặc quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc…
Hiện, quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc ở Việt Nam chưa được hình thành, phương án phát hành trái phiếu dự án có quy định trong Luật Đầu tư theo phương thứcPPP nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luậthướng dẫn triển khai. Do đó, khi các ngân hàng thương mạikhông cam kết cho vay thì mặc nhiên nhà đầu tư không có cơ hội để tham gia đầu tư các dự án PPP.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho rằng, Luật Đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Đơn cử, Luật quy định Chính phủ bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ với tỷ lệ30% doanh thu của dự ánbằng tiền đồng Việt Nam, đối vớicác dự án PPP do Quốc hội hoặc Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư là quá ít.
Ngoài ra, còn có một số bất cậpkhác như: các quy định về đảm bảo doanh thu và chia sẻ rủi ro vẫn chưa đầy đủ; thời hạn thu xếp tài chính quá ngắn, chỉ có 18 tháng kể từ khi ký kết hợp đồng dự án; chưa có quy định cụ thể cho nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận chuyển nhượng vốn; quyền chấm dứt hợp đồng của các nhà đầu tư nước ngoài chưa rõ ràng... Những rào cản trên đã khiến các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư ngoại không dám mạo hiểm tham gia đầu tư vào các dự án PPP.
Cần sớm tháo gỡ những “nút thắt”
Trước những bất cập trên, PGS,TS. Dương Đăng Huệ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù Luật Đầu tư theo phương thứcPPP mới có hiệu lực hơn 1 năm nhưng thực tế cho thấy đã phát sinh nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu để giải quyết. Vì vậy, Quốc hội cần giám sát việc thực hiện Luật theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm phát hiện những vấn đềbất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành mẫu các loại hợp đồng dự án PPP, trong đó có mẫu hợp đồng dự án BOT, để làm cơ sở cho các bên ký kết và thực hiện các loại hợp đồng này.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hải Minh kiến nghị Việt Nam cần sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thứcPPP; đồng thời đưa các quy định hiện hành lên tầmtiêu chuẩn quốc tế, nhằm gia tăng sự hấp dẫn của các dự án PPP đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ góc độ hiệp hội, PGS,TS. Trần Chủng kiến nghị cần sớm bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP, làm căn cứ xây dựng hợp đồng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia dự án theo đúng bản chất của phương thức PPP.
Liên quan đến quy định về tỷ lệ vốn góp của Nhà nước, ông Chủng kiến nghị cần nới biên độ tỷ lệ hỗ trợ của NSNN (có thể hơn 50%) tùy vào tính chất và đặc thù của từng dự án, nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP, nhất là các dự án ở vùng sâu, vùng xa./.
DIỆU THIỆN