Hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời

Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 24/06/2022

(BKTO) - Sử dụng năng lượng điện mặt trời đem lại “lợi ích kép” cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện tại vẫn thiếu các quy định cụ thể hướng dẫn DN triển khai lắp đặt mô hình điện mặt trời phục vụ cho nhu cầu sản xuất.


Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho DN: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển”, do Tạp chí Diễn đàn DN thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức vào ngày 22/6.
                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Tạp chí Diễn đàn DN

   

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch và chuyển dần sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh.

Tính lũy kế đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt 19.400 MW, chiếm 25% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước được đánh giá đi đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ trọng lắp đặt điện mặt trời.

Đối với DN, ông Thành cho biết, việc sử dụng điện mặt trời giúp cho các DN tiết kiệm chi phí, chủ động nguồn điện, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi giá năng lượng đang tăng cao và nguy cơ có thể thiếu điện trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một tiêu chí mà các ngành sản xuất của Việt Nam đang hướng tới là “sản xuất xanh”, nhất là trong các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may… Do đó, việc sử dụng điện mặt trời sẽ giúp thúc đẩy “xanh hóa” các ngành sản xuất.

Từ góc độ ngành hàng, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các DN dệt may chủ yếu là xuất khẩu, trong khi đó, hiện nay, hàng trăm nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường áp dụng đối với các nhà cung cấp, trong đó có các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm.

“Các DN trong ngành dệt may đang phải đi theo con đường “xanh hóa” quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu từ nhà mua hàng. Với tiêu chí “xanh hóa” thì sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là một “điểm cộng” cho các DN dệt may, do đó, các DN đều mong muốn được tiếp cận nguồn năng lượng này” - ông Giang chia sẻ.

Mặc dù đánh giá lợi ích mang lại cho cộng đồng DN khi sử dụng điện mặt trời là khá rõ ràng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn khá nhiều trở ngại khiến việc thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện mặt trời của DN còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đào Du Dương - Trưởng Văn phòng Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thủ tục hướng dẫn DN triển khai lắp đặt điện mặt trời phục vụ cho nhu cầu sản xuất vẫn chưa có những quy định cụ thể và thiếu nhất quán. Do đó, nhiều DN lắp đặt hệ thống xong khi nộp hồ sơ xin cấp phép thường bị trả lại do hồ sơ chưa đầy đủ, DN phải bổ sung thủ tục. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng có những yêu cầu khác nhau gây khó khăn cho DN.

Bên cạnh đó, các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy thủ tục rất rườm rà, DN làm hồ sơ xin thẩm định rất khó khăn. Mặt khác, việc xử lý rác thải là các tấm pin năng lượng mặt trời đã hết hạn sử dụng cũng là một trở ngại lớn khiến DN rất băn khoăn…

Từ thực tế trên, ông Dương kiến nghị, để khuyến khích DN đầu tư lắp đặt điện mặt trời phục vụ sản xuất, Chính phủ cần sớm hoàn thiện khung chính sách một cách đồng bộ, trong đó các quy định, hướng dẫn cần cụ thể, nhất quán, để DN có nhu cầu có thể mạnh dạn triển khai dự án. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Đồng quan điểm, ông Phan Công Tiến - chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chia sẻ, sử dụng điện mặt trời đang là lựa chọn ưu việt và phù hợp với mục tiêu “xanh hóa” sản xuất của các DN. Vì vậy, Nhà nước cần có những cơ chế thông thoáng để thúc đẩy DN áp dụng các mô hình sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn giúp các ngành hàng giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Đưa gợi ý đối với các DN về việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời, ông Trần Ngọc Long - Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty CME Solar chia sẻ: DN có 2 hướng là tự đầu tư hoặc hợp tác với các nhà phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, ông Long cũng lưu ý, hiện trên thị trường có khá nhiều nhà đầu tư, nhà phát triển điện mặt trời lớn, có tên tuổi đến từ Anh, Đức, Australia... để các DN lựa chọn hợp tác, song khi chọn nhà đầu tư, DN nên tìm hiểu kỹ, lựa chọn những đơn vị có uy tín, có cam kết rõ ràng, để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra./.

DIỆU THIỆN