Từng bước thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ tại PVFCCo
Kinh tế - Ngày đăng : 08:51, 25/06/2022
(BKTO) - Nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã xây dựng một lộ trình cụ thể để thực hiện chuyển đổi số, song song với chiến lược phát triển Tổng công ty.
PVFCCo ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ vào hoạt động sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh: PVFCCo |
Đến thời điểm này, PVFCCo đã xây dựng được hệ sinh thái số khá đa dạng và ngày càng phát triển. Hệ thống công nghệ thông tin ở PVFCCo đã được triển khai từ rất sớm với nhiều công cụ số hỗ trợ.
Ngay từ năm 2010, PVFCCo đã ứng dụng hệ thống ERP Oracle E-Business Suite (giai đoạn 1) vào hoạt động quản trị kế toán tài chính, mua sắm, kho. Tiếp đó, đến năm 2014, hệ thống Oracle giai đoạn 2 đã được triển khai với phân hệ quản lý sản xuất, quản lý và lập kế hoạch cùng hệ thống báo cáo quản trị.
PVFCCo cũng đã triển khai ứng dụng số hỗ trợ quản trị, môi trường làm việc tiên tiến như Zoom (họp trực tuyến), MS Office (họp trực tuyến qua MS Teams và Email), phần mềm Văn phòng điện tử (eOffice), các hệ thống quản lý văn bản…
Thời gian gần đây, nhờ áp dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, hệ thống ngân hàng online…, PVFCCo đã thực hiện các công việc như ban hành văn bản, giải quyết chính sách, hỗ trợ người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời, ngay cả trong giai đoạn giãn cách vì Covid-19.
Trong hoạt động kinh doanh, PVFCCo đang nghiên cứu ứng dụng hệ thống DMS tiên tiến để quản lý bán hàng và triển khai hệ thống TMS để quản lý vận tải. Ngoài ra, khối kinh doanh cũng tương tác một phần với hệ thống ERP, giúp các công ty chi nhánh tại các vùng cập nhật số liệu và đồng bộ về Tổng công ty.
Trong hoạt động sản xuất, Tổng công ty đang sử dụng nhiều phần mềm khác nhau như Oracle, DCS, MMS, ESD, PLC, CMMS để điều khiển các phân xưởng, công nghệ, bảo vệ an toàn cho các dây chuyền, quản lý vật tư… giúp Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn hoạt động an toàn, hiệu quả, tối ưu công suất.
Để phát huy tính ưu việt củachuyển đổi số, mang lại lợi ích tối đa cho DN, Đảng ủy PVFCCo đã ban hành Nghị quyết số 289-NQ/ĐU ngày 19/4/2022 về “Thực hiện chuyển đổi số tại PVFCCo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Nghị quyết nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, hình thành những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và mang lại giá trị gia tăng mới cho khách hàng của PVFCCo.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, trong năm 2022, PVFCCo sẽ xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo triển khai công tác chuyển đổi số tại Tổng công ty, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, bộ phận chuyên trách công tác và các tổ chuyển đổi số tại các đơn vị.
Đồng thời xây dựng khung năng lực kỹ thuật số cho các bộ phận và nhân sự thực hiện chuyển đổi số; bố trí và đào tạo nhân lực cơ bản đủ năng lực triển khai chuyển đổi số; hoàn thành “Kế hoạch chuyển đổi số tại PVFCCo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” có tham khảo các bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Từ năm 2023-2025, PVFCCo sẽ triển khai các dự án theo lộ trình chuyển đổi số đã được phê duyệt: thực hiện chuyển đổi các mô hình kỹ thuật số bao trùm các lĩnh vực quản lý, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như con người và tổ chức của PVFCCo.
Kết thúc giai đoạn này, PVFCCo đặt mục tiêu sẽ là một trong những đơn vị đi đầu của Petrovietnam về chuyển đổi số; nằm trong nhóm dẫn đầu chuyển đổi số của các DN sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất tại Việt Nam.
Từ năm 2025-2030, PVFCCo sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên, các quy trình chuyên môn nghiệp vụ, sản xuất kinh doanh được số hóa và liên tục cải tiến, vận hành trên nền tảng công nghệ số. Đồng thời kết nối, mang lại giá trị mới cho khách hàng bằng các sản phẩm và dịch vụ mới trên nền tảng số hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của PVFCCo./.
PHÚC KHANG