Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả của mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, cao đẳng

Kinh tế - Ngày đăng : 16:36, 28/06/2022

(BKTO) - Trong bối cảnh các trường đại học, cao đẳng (gọi chung là cơ sở giáo dục đại học - GDĐH) đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nhiều trường đã có sáng kiến thành lập các DN với mục đích gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn, từ đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như tăng nguồn thu cho trường. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình DN trong trường ĐH cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.


                
   

Mô hình DN trong trường giúp giải quyết khó khăn trong tự chủ ĐH, cũng như đưa thành tựu nghiên cứu khoa học đến cuộc sống. Ảnh tư liệu

   

DN trong trường học – yêu cầu bức thiết để tự chủ toàn diện

Là một trong những cơ sở GDĐH đầu tiên của cả nước có mô hình DN trong trường, lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau quá trình dài tìm hiểu kinh nghiệm của các nước có nền ĐH tiên tiến về mô hình này, năm 2008, một hệ thống DN theo mô hình mới đã chính thức được triển khai áp dụng tại Trường, trong đó đáng chú ý là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings). Hiện nay, BK-Holdings có các đủ loại hình DN với 1 trường cao đẳng nghề và bước đầu tạo được động lực cho các nhà khoa học, các tập thể nghiên cứu thuộc Nhà trường.
         
Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 460 trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên chỉ có 11 cơ sở GDĐH có mô hình DN trong trường. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP. HCM, trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội là số ít trường công lập có mô hình DN trong nhà trường hoạt động hiệu quả.
Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM hiện cũng có 01 tổ chức đã chuyển đổi thành công từ tổ chức khoa học và công nghệ thành DN (công ty cổ phần). Đây là DN đầu tiên trong hệ thống ĐH Quốc gia TP. HCM. Theo lãnh đạo nhà trường, mô hình DN mới này tuy không mới so với thế giới nhưng tại các cơ sở GDĐH Việt Nam vẫn còn là điều mới mẻ. Với mô hình DN trong nhà trường nhưng có mối quan hệ rất rành mạch với toàn hệ thống đã mở ra nhiều triển vọng cho các trường trên lộ trình tự chủ, đặc biệt là giúp nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học của trường trong thực tiễn.

Còn theo TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường ngày càng cạnh tranh, Trường phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết. Trong đó, thành lập Trung tâm Sản xuất dịch vụ (năm 1992) - mô hình DN trong trường là quyết định mang tính đột phá và lâu dài của Trường, giúp giải quyết những khó khăn trong quá trình tự chủ ĐH.

“Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, Trung tâm còn là nơi tiếp nhận, hướng dẫn, đào tạo sinh viên, giúp các em tiếp cận sớm với môi trường DN” - TS. Hoàng Xuân Hiệp nói và cho biết thêm, mỗi năm hiệu quả kinh doanh từ mô hình DN chiếm khoảng 50% nguồn thu của nhà trường; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 400-500 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 8 triệu đồng/người.

Khắc phục rào cản cho mô hình DN phát triển

Có thể thấy, hoạt động của mô hình DN trong các cơ sở GDĐH giúp thúc đẩy tạo ra nhiều giá trị hữu ích, không chỉ riêng với nhà trường mà còn tác động tích cực tới cộng đồng, tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chuyên gia giáo dục cũng còn băn khoăn về cơ chế vận hành mô hình này. Theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, mô hình DN trong nhà trường là xu hướng hướng tất yếu, giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cơ chế vận hành DN, cũng như việc đảm bảo thống nhất hoạt động giữa DN và đơn vị hành chính sự nghiệp - các cơ sở GDĐH.

Nêu thực tế về vấn đề này, TS. Trần Bá Kiên - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương cho biết: Hiện nay Trường có một Trung tâm chuyên sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm mà đơn vị dự kiến chuyển đổi sang DN hiện còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý; nổi cộm là các vấn đề liên quan đến đấu thầu khi mua sắm hàng hóa; chi trả lương cho giáo viên khi tham gia vào hoạt động của Trung tâm…
                
   

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là số ít cơ sở có mô hình DN trong trường hoạt động hiệu quả. Ảnh: N.LỘC

   

Chia sẻ về cách quản lý mô hình DN trong trường, PGS,TS. Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch Hội đồng thành viên BK-Holdings cho biết, hệ thống DN của Trường có 2 điểm khác cơ bản nhất so với mô hình các trường ĐH khác đang áp dụng: Một là, tách hoạt động sản xuất kinh doanh ra khỏi sự điều hành tuần tuý hành chính của một cơ sở đào tạo công lập; hai là, minh bạch hoá việc đưa tài sản của Nhà trường vào quá trình sản xuất kinh doanh, cố gắng tạo cơ chế để nhà khoa học trong trường đóng góp vào việc thành lập các công ty.

Từ kinh nghiệm phát triển mô hình DN trong Trường tương đối hiệu quả, TS. Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ, đối với hoạt động của Trung tâm, nhà trường giao quyền tự chủ cho Giám đốc Trung tâm, chỉ quản lý dựa trên chỉ tiêu đặt ra hàng năm.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, TS. Hiệp cho biết thêm, với những nguyên vật liệu giá trị lớn, phải tiến hành đấu thầu là quy định bắt buộc. Trung tâm trực thuộc Nhà trường, do đó phải tuân theo yêu cầu của pháp luật hiện hành.

Theo ý kiến của các chuyên gia, cũng như chia sẻ từ các trường có mô hình DN, đây cũng là những khó khăn chung nhiều mô hình DN trong trường đang gặp phải. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ các mô hình DN trong trường phát triển.

Trong đó, cần hoàn thiện và thực thi một cách thực chất việc miễn thuế giá trị gia tăng hoặc có chính sách thuế giá trị gia tăng bằng 0 khi sinh viên tham gia sản xuất kết hợp phục vụ học tập và thực tập; giao hoàn toàn các thủ tục đầu tư tài sản cho Hội đồng trường để rút ngắn thời gian đầu tư, tận dụng cơ hội kinh doanh. Hội đồng trường sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện, theo đúng quy định tại Luật GDĐH và quy định pháp luật có liên quan../.

N.LỘC