Kiểm toán nhà nước công khai kết quả kiểm toán năm 2021

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 20:05, 01/07/2022

(BKTO) - Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 234 báo cáo kiểm toán của 177 cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 đối với niên độ ngân sách năm 2020, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tăng thu, giảm chi NSNN 25.396,3 tỷ đồng, xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 198 văn bản.


Thông tin trên được ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) công khai trước các cơ quan báo chí tại cuộc Họp báo của KTNN diễn ra vào chiều 01/7, tại Hà Nội.
                
   

Ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - KTNN cung cấp thông tin cho báo chí. Ảnh: N.LỘC

   

Trình bày báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2020, ông Vũ Ngọc Tuấn còn cho biết, qua hoạt động kiểm toán năm 2021, KTNN đã chuyển 01 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp 265 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, điều tra.

Công khai kết quả kiểm toán NSNN năm 2020, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp nêu rõ, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019. Dự toán hoàn thuế Giá trị gia tăng chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn thuế vượt dự toán Quốc hội quyết nghị 7.019 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển trong năm phải điều chỉnh 03 lần, kế hoạch vốn ngoài nước phải điều chỉnh giảm, hủy dự toán 14.598,89 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 chưa phù hợp quy định...

Việc giao dự toán chi thường xuyên năm 2020 chậm so với quy định; một số Bộ còn được giao dự toán bổ sung vào thời điểm cuối tháng 12 của năm ngân sách.
                
   

Quang cảnh Họp báo.Ảnh: N.LỘC

   

Đáng chú ý, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn cung cấp số liệu quyết toán thu NSNN năm 2020 là 1.510.579 tỷ đồng, bằng 98,1% so với dự toán giao (tương ứng hụt 28.473 tỷ đồng); trong đó thu nội địa vượt 0,2% dự toán (chủ yếu từ tiền sử dụng đất 77.086 tỷ đồng và thu khác ngân sách 22.229 tỷ đồng).

Mặt khác, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao, khoản thu hồi vốn tại các DNNN chỉ đạt 37,1% so với dự toán giao đầu năm.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến hụt thu là do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được KTNN phát hiện qua kiểm toán, đối chiếu, từ đó đã kiến nghị tăng thu NSNN 8.802,6 tỷ đồng.

Số liệu quyết toán cũng cho thấy, nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% so với năm 2019, chủ yếu do thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (24.987 tỷ đồng). Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến 31/12/2020 là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019, trong năm 2020 chưa thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.

Liên quan đến chi đầu tư phát triển trong chi NSNN năm 2020, số liệu quyết toán được KTNN xác nhận là 576.432 tỷ đồng, bằng 115,5% dự toán và bằng 33,7% tổng chi NSNN. Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm chi đầu tư xây dựng NSNN 3.817 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán cho thấy, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước thấp đã phần nào làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn vay nước ngoài.

Ngoài ra, số vốn vay nước ngoài đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán vào NSNN là 4.486 tỷ đồng nhưng Chính phủ chưa kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét phương án bổ sung kế hoạch vốn làm cơ sở hạch toán, quyết toán theo quy định.

Cùng với đó, còn trường hợp dư nợ đọng xây dựng cơ bản của những dự án thực hiện trước năm 2015 nhưng năm 2021 mới bố trí một phần để thanh toán; một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và phát sinh nợ xây dựng cơ bản trong năm 2021.
                
   

Đông đảo cơ quan báo chí tham dự Họp báo.Ảnh: N.LỘC

   

Số liệu quyết toán chi thường xuyên năm 2020 được KTNN xác nhận là 1.013.449 tỷ đồng, bằng 90,8% dự toán và bằng 59,3% tổng chi NSNN. Thực tế kiểm toán cho thấy, một số khoản chi sự nghiệp ngân sách Trung ương có tỷ lệ thực hiện thấp như: chi văn hoá thông tin 61,5%, chi thể dục thể thao 75,2%, chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề 81,9%; đặc biệt, tỷ lệ thực hiện chi bảo vệ môi trường rất thấp 47,4%.

Tại một số Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; 31/45 địa phương sử dụng sai nguồn 1.992 tỷ đồng; một số đơn vị tại 38/45 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định 2.341 tỷ đồng.

Thực hiện kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020, KTNN cũng đánh giá về tình hình thu, chi viện trợ; việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương; chi chuyển nguồn; về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản…
         
Bội chi NSNN năm 2020 là 216.405,59 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, bằng tỷ lệ bội chi theo dự toán đầu năm và thấp hơn so với mức 5,41% GDP theo Nghị quyết số 128/2020/QH14. Dư nợ công đến 31/12/2020 là 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP). Nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm (năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người).
Năm 2021, KTNN đã thực hiện kiểm toán các chuyên đề công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục Thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020 và chuyên đề công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020.

Bên cạnh đó, KTNN cũng đã kiểm toán một số chương trình mục tiêu như chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng giai đoạn 2016-2020; chương trình đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020; chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020...

Đồng thời, KTNN còn thực hiện kiểm toán chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng; kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT và các dự án ODA.

Ngoài ra, KTNN đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2020 của 73 doanh nghiệp thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Đối với kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với niên độ ngân sách năm 2019, ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, các đơn vị được kiểm toán đã chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN.
         
Tính đến 31/12/2021, xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN được thực hiện 14.677,08 tỷ đồng, đạt 80%; xử lý khác được thực hiện 28.648,13 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,1%; 44/205 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; 52/98 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện.

Từ kết quả kiểm toán năm 2021, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiến nghị của KTNN tại Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020. Đồng thời chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, các tồn tại trong công tác quản lý đã nêu tại từng báo cáo kiểm toán của KTNN thực hiện trong năm 2021./.
H.THOAN - N.LỘC - D.THIỆN