Các nước giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu ra sao?

Kinh tế - Ngày đăng : 20:21, 01/07/2022

(BKTO) – Bộ Tài chính cho biết, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, các nước đã điều chỉnh chính sách thuế trong năm 2022.


                
   

Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Ảnh: Internet

   

Nhiều nước giảm thuế đối với xăng dầu và trợ giá năng lượng

Đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), Vương quốc Bỉ thực hiện giảm thuế GTGT khí đốt xuống 6% từ ngày 01/4 đến ngày 30/9/2022.

Croatia giảm thuế GTGT đối với khí đốt và nhiệt từ 25% xuống 13%. Ba Lan giảm thuế suất thuế GTGT đối với xăng và dầu diesel từ 23% xuống 8% trong 6 tháng (từ ngày 01/02/2022)...

Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng được một số nước triển khai. Australia đã giảm 50% thuế TTĐB đối với nhiên liệu từ 0h ngày 29/3 đến ngày 28/9/2022.

Thái Lan giảm 3 bạt/lít thuế TTĐB đối với xăng từ ngày 18/02 đến ngày 20/5/2022 và giảm 5 bạt/lít thuế TTĐB đối với dầu diesel từ 20/5 đến ngày 20/7/2022.

Hà Lan giảm thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel xuống 21%, Ireland giảm thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel lần lượt là 20 cent/lít và 15 cent/lít...

Ngoài các biện pháp ứng phó về thuế, một số quốc gia trợ giá năng lượng khi giá năng lượng tăng cao. Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ NSNN cho DN chịu ảnh hưởng bởi chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.

Một số quốc gia thực hiện gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt như Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh… Còn Nhật Bản triển khai gói hỗ trợ các DN, nhà buôn bán dầu.

Hầu hết các nước thực hiện thu thuế TTĐB đối với xăng. Chẳng hạn, Pháp thu 0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng, Đức thu 0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg...

Tại Đông Nam Á, Campuchia áp thuế TTĐB đối với xăng ở mức 25%; Thái Lan thu 6,5 bạt/lít đối với xăng khoáng, 5,85 bạt/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt/lít xăng 95 E20, 0,975 bạt/lít đối với xăng 95 E85, 3,2 bạt/lít đối với dầu diesel; Singgapo thu 0,41 SGD/lít; Lào thu thuế suất TTĐB là 39%.

Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Còn tại Việt Nam, theo quy định của Luật thuế TTĐB, Nhà nước chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Hiện, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước. Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao trong vài tháng trở lại đây nên nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này, Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi).

Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề xuất giảm xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12 năm nay với xăng giảm 1.000 đồng/lít, còn các loại dầu giảm 700 đồng/lít, kg.

Bộ Tài chính ước tính, trường hợp Nghị quyết được Quốc hội ban hành trong tháng 7 và có hiệu lực từ ngày 01/8 tới đây, thu NSNN cả năm ước giảm khoảng 20.305 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN với xăng từ 20% xuống còn 12%.

Việc điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay (Hàn Quốc và ASEAN) trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động./.
         
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu. Để giảm giá xăng dầu hiệu quả phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Việc giảm thuế phải tính đến những ảnh hưởng khác như buôn lậu xăng dầu, vì hiện nay, giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn giá mặt hàng này ở một số nước láng giềng… Nếu giá thấp thì xăng dầu sẽ chảy lậu ra các nước xung quanh, còn nước ta lại gặp khó khăn vì giảm thuế. Cùng với đó, phải thúc đẩy nguồn cung, nâng công suất 2 Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước.

THÙY ANH