Kiểm toán nhà nước giải đáp nhiều vấn đề nóng được báo chí quan tâm

Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 02/07/2022

(BKTO) - Công tác xây dựng kế hoạch vốn, quản lý vốn đầu tư NSNN; việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT); việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị và đặc biệt là kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19… là những nội dung được báo giới quan tâm, đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo Kiểm toán nhà nước (KTNN) tại cuộc họp báo công khai kết quả kiểm toán năm 2021 diễn ra chiều 01/7.


                
   

Quang cảnh buổi họp báo.

   
                
   

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa

   

Trả lời câu hỏi của báo chí về những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa nêu rõ, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch đến 31/12/2021 là hơn 376,2 nghìn tỷ đồng. Tính đến thời điểm kiểm toán, các cơ quan, đơn vị đã phân bổ 351 nghìn tỷ đồng chi cho phòng, chống dịch, còn lại nguồn dư đang ở các địa phương và Quỹ Vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay, nhiều địa phương đã vay nhưng chưa trả, do đó, số dư này cũng sẽ được sử dụng để chi trả cho các bên cho vay.

Liên quan đến vấn đề chi chế độ phụ cấp phòng, chống dịch cho đối tượng huy động tham gia phòng, chống dịch, qua kiểm toán cho thấy, còn tình trạng chi hỗ trợ trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định, chứng từ thanh toán chưa đầy đủ, chưa thực hiện chi trả kịp thời…

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, nhiều địa phương đã sử dụng nhiều nguồn khác nhau để chi cho phòng, chống dịch và có bất cập, song đây không phải là sai phạm, bởi thực tế trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, quy định còn cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên cho công tác phòng, chống dịch.
                
   

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn

   

Đối với vấn đề xây dựng, đăng ký kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển, theo ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) nêu rõ, một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đăng ký nhu cầu kế hoạch vốn chưa chính xác dẫn đến trong năm phải điều chỉnh giảm, chưa thu hồi đầy đủ vốn ứng trước; đăng ký kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
                
   

Phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo

   

Cũng theo ông Vũ Ngọc Tuấn, còn tình trạng giao kế hoạch vốn chậm, bổ sung sau ngày 31/12/2019 và điều chỉnh nhiều lần, thậm chí điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 là chưa phù hợp quy định của Luật NSNN. Một số cơ quan, đơn vị giao vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến thực hiện giai đoạn 2021-2025 khi chưa xác định cụ thể danh mục dự án; phân bổ chi tiết kế hoạch vốn khi chưa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch.

Giải đáp về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, ông Vũ Ngọc Tuấn nhận định, nợ đọng xây dựng cơ bản là tình trạng nan giải trong nhiều năm nay và để lại nhiều hệ lụy tiêu cực liên quan đến lợi ích của Nhà nước, vấn đề về dân sinh, lợi ích của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt, nợ đọng xây dựng cơ bản dẫn đến việc kéo dài thời gian bàn giao, sử dụng dự án, hiệu quả đầu tư thấp…

Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2014 trở lại đây, khi Luật Đầu tư công được ban hành đã có quy định rất rõ về việc ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Báo cáo số 243/BC-CP ngày 17/7/2021 của Chính phủ cũng nêu rất rõ là kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí đủ cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc nghĩa vụ ngân sách Trung ương đến hết ngày 31/12/2014.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm toán cho thấy, trên thực tế vẫn còn có những khoản nợ đọng xây dựng cơ bản trước năm 2015 chưa xử lý dứt điểm được. Đơn cử như qua kết quả kiểm toán cho thấy, trong năm 2021, Bộ Giao thông vận tải vẫn phải bố trí ngân sách để thanh toán nợ xây dựng cơ bản trên 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán tại một số địa phương cũng còn phát hiện không ít trường hợp nợ đọng xây dựng cơ bản có giá trị lớn như tỉnh Ninh Bình hơn 5.000 tỷ đồng, Thái Bình hơn 3.000 tỷ đồng và một số địa phương phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2021. Điều đó cho thấy vẫn còn có những trường hợp vi phạm những quy định của Luật Đầu tư công về vấn đề giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng đã có những kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp kiểm tra, rà soát lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm theo quy định.
                
   

Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Lê Đức Luận

   

Trao đổi với báo chí về những kiến nghị của KTNN sau khi kiểm toán chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, ông Lê Đức Luận - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KTNN) cho biết, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện một số bất cập, hạn chế trong công tác quản lý về quy hoạch đô thị và cấp phép xây dựng; công tác lập và thẩm định các đồ án quy hoạch đô thị; công tác quản lý đất đai đô thị.

Từ những bất cập đó, KTNN đã có nhiều kiến nghị tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, kiến nghị điều chỉnh hoặc hủy bỏ một phần, một số nội dung trong các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương chưa phù hợp với những quy định trong Luật Đất đai, Luật Đô thị.

Thứ hai, kiến nghị các đơn vị rà soát và điều chỉnh một số nội dung liên quan đến những hạn chế được phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Thứ ba, kiến nghị về xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm xảy ra trong công tác quản lý đô thị và cấp phép xây dựng xảy ra tại một số địa phương.
                
   

Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV Hoàng Phú Thọ

   

Đối với nội dung báo chí quan tâm là những hạn chế, sai sót trong việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT được chỉ ra thông qua kết quả kiểm toán, ông Hoàng Phú Thọ - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho biết, thời gian qua, KTNN đã kiểm toán thường xuyên các dự án đối tác công - tư (PPP) nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng, qua đó chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại.

Trên cơ sở những bất cập đã được KTNN chỉ ra, nhiều chủ trương, chính sách đã được cập nhật, điều chỉnh kịp thời sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Cùng với đó, khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 được ban hành thì việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, công tác quản lý các dự án BOT, BT đã có sự chuyển biến tích cực hơn, ít xảy ra sai sót, tồn tại hơn../.

T.THIỆN - H.THOAN - N.LỘC