Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Chính trị - Ngày đăng : 20:35, 02/07/2022
(BKTO) - Thay mặt Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký, ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết 20) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới, trong đó yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT.
Các tổ chức KTTT được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác, được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ bền vững - Ảnh minh họa: TTXVN |
Phấn đấu đến năm 2045 thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia kinh tế tập thể
Nghị quyết 20 nêu rõ quan điểm chỉ đạo, KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…
Với quan điểm nêu trên, Nghị quyết 20 đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã (HTX) với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới; bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức KTTT nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh HTX quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển
Để thực hiện các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu nêu trên, Nghị quyết 20 đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cơ quan tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. KTTT với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên.
Để hỗ trợ phát triển KTTT, Nghị quyết 20 cũng đưa ra giải pháp cần ưu tiên những chính sách như: Đưa nội dung đào tạo về KTTT vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên; khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức KTTT.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức KTTT tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Các tổ chức KTTT được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác, được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ bền vững; nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trong việc hỗ trợ các tổ chức KTTT vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT, Nghị quyết 20 cũng đưa ra giải pháp như: Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, hỗ trợ phí kiểm toán, bảo hiểm nông nghiệp đối với KTTT. Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của KTTT, gồm: nợ tồn đọng kéo dài trong HTX; các quan hệ về tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với DN nhà nước. DN nhà nước ưu tiên hỗ trợ liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức KTTT hoạt động có hiệu quả; khẩn trương sửa đổi Luật HTX năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan đến KTTT, HTX…/.
LÊ HÒA