Tăng cường liên kết, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 21:06, 03/07/2022
(BKTO) - Là quốc gia có nền tảng phát triển từ sản xuất nông nghiệp, với số lượng lao động trong lĩnh vực này chiếm phần lớn cơ cấu lao động của cả nước, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại là mục tiêu được Đảng, Nhà nước đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, chú trọng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong nông nghiệp ngay từ cơ sở đào tạo là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp. Ảnh sưu tầm |
Hình thành chuỗi giá trị, phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp
Theo ông Đàm Quang Thắng - Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia, mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp giúp các mắt xích phát triển rời rạc liên kết với nhau để tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tạo ra hệ sinh thái sản xuất mới tại nông thôn với cơ hội mới cho mọi người.
Thông qua mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN) dễ áp dụng các quy trình quản lý sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng lực điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết với DN, tăng khả năng hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng lợi nhuận cho hợp tác xã, nông dân có cơ hội tiếp cận với cơ giới hóa, hiện đại hóa, giảm chi phí sản xuất và ngày công lao động. Các nhóm tác nhân trong chuỗi giá trị nhận được lợi ích từ việc gia tăng giá trị tăng thêm trong liên kết chuỗi.
“Việc hình thành chuỗi giá trị đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của DN. Nhờ sự phát triển bài bản, những sản phẩm nông nghiệp bình thường nhưng qua xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sẽ giúp DN thu được giá trị gia tăng cao hơn” - ông Đàm Quang Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp đòi hỏi các nhà sản xuất nông nghiệp, DN phải đầu tư rất nhiều công sức. Trong đó, sự xuất hiện của các DN khởi nghiệp lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng.
Đây cũng chính là vấn đề được đặt ra tại Tọa đàm: “Kinh doanh nông sản Việt từ giải pháp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh hội nhập” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức mới đây.
GS,TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong những năm qua, Chính phủ đã nhận thức được đầy đủ vai trò đặc biệt của hệ sinh thái nông nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khi đưa ra hàng loạt văn bản, chỉ đạo liên quan đến vấn đề này, làm tiền đề quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nông sản Việt trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, không phải DN nào khởi nghiệp cũng thành công, nhất là khi thị trường đang gặp muôn vàn khó khăn, thách thức từ những biến động bên ngoài. Chưa kể, nguồn nhân lực chất lượng để sẵn sàng tham gia và thực hiện khởi nghiệp thành công hiện nay không dư dả, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cho các DN.
Chú trọng vai trò của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu
Đối với các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, sự hiện diện của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng, cùng với DN và nhà sản xuất sẽ góp phần tạo nên mô hình chuỗi giá trị mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.
PGS,TS. Ngô Thị Phương Thảo - Trưởng khoa Khoa Bất động sản và Kinh tế tài nguyên (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho hay, trường đại học và viện nghiên cứu là các mắt xích quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, để đào tạo giúp các doanh nhân khởi nghiệp và các chuyên gia có chuyên môn hỗ trợ; cung cấp điều kiện cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm cho các DN, dự án khởi nghiệp; cung cấp công nghệ tạo đà cho DN khởi nghiệp và hình thành nên các vườn ươm khởi nghiệp, tạo môi trường trải nghiệm thực tiễn cho sinh viên…
Lấy ví dụ về mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo nông nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bà Thảo cho rằng, đây là mô hình cho sinh viên dễ tiếp cận, giúp rèn luyện kỹ năng, thúc đẩy ý chí khởi nghiệp và hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp… Câu lạc bộ này không chỉ có sự hỗ trợ từ nhà trường mà còn có sự bảo trợ từ các cơ quan quản lý, các DN khởi nghiệp thành công.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của trường đại học đối với đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp thông qua các mô hình khởi nghiệp, song PGS,TS. Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu thực trạng không ít trường còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp. “Để giúp sinh viên có tinh thần khởi nghiệp tốt, các trường đại học cần phải tạo ra một môi trường tổng thể với các hoạt động xuyên suốt, từ nâng cao nhận thức, năng lực và sự trải nghiệm thực tế của sinh viên trong môi trường DN” - PGS,TS. Thành cho biết; đồng thời lưu ý các trường cần phải tăng cường liên kết với các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia để tạo thành chuỗi liên kết.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau củ quả Đặng Văn Đông (áo vest đen) giới thiệu về các thành quả nghiên cứu tại vườn ươm. Ảnh: N.LỘC |
Khẳng định hoạt động hợp tác với DN sẽ mang lại giá trị cho các bên, góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, tại buổi làm việc với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cách đây ít lâu, PGS,TS. Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau củ quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với thế mạnh là các thành tựu nghiên cứu khoa học chuyên ngành, Viện và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện hợp tác hiệu quả với nhiều DN để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, nhiều khu sản xuất nông nghiệp có tiếng như tại Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), hàng chục DN, hợp tác xã đang là đối tác thân thiết với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.
“DN có vốn, cơ sở đào tạo có nhân lực và công nghệ, có tinh thần khởi nghiệp, đây là những yếu tố không thể tách rời để xây dựng thành công chuỗi giá trị nông nghiệp” - PGS,TS. Đặng Văn Đông lưu ý.
N.LỘC