Bắt tay ngay vào những chương trình hành động cụ thể

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:05, 26/02/2018

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh


Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2018, Bộ Công Thương đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

         
   
Bộ trưởng Bộ Công Thương
   Trần Tuấn Anh
   
Hai là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ba là, rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững.

Bốn là, tập trung xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

Năm là, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Trong đó, Bộ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế; thay đổi một cách mạnh mẽ hơn công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sáu là, thực hiện đổi mới công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bảy là, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới, góp phần tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN.

Tám là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Chín là, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các DNNN thuộc ngành công thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình DN.

Tất cả những nội dung nhiệm vụ trọng tâm nêu trên đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng thành những chương trình hành động cụ thể để tổ chức triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.

QUỲNH ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018