Thanh tra tài chính kiến nghị xử lý tài chính trên 21.192 tỷ đồng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:36, 06/07/2022

(BKTO) - 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 28.350 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 21.192,6 tỷ đồng.


                
   

6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị đã nộp NSNN 147,23 tỷ đồng theo kiến nghị của thanh tra Bộ Tài chính. Ảnh: internet.

   

Những tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị; tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 28.350 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 438.563 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 21.192,6 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp 5.650 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính 13.998,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.543,8 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp 4.124,4 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã có nhiều kiến nghị về thay thế, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách…

Cũng trong 6 tháng qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã lưu hành 1 kết luận thanh tra và báo cáo 7 cuộc kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 338,8 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 18,3 tỷ đồng; kiến nghị khác 320,5 tỷ đồng.

Căn cứ biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về kế toán, lĩnh vực giá của Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá, 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 19 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 472,5 triệu đồng. 6 tháng qua, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị, nộp NSNN 147,23 tỷ đồng.

Theo đánh giá từ Thanh tra Bộ Tài chính, do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

6 tháng cuối năm, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tăng cường tham mưu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, như: Quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt… ; các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội gần đây như y tế, giáo dục, hỗ trợ và phòng, chống dịch Cobid-19.

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường giám sát đối tượng thanh tra thông qua hệ thống phân tích rủi ro, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ động cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, DN.../.

THÙY ANH