Làn sóng COVID-19 mới đe dọa nhiều quốc gia

Chính trị - Ngày đăng : 20:50, 06/07/2022

(BKT) - Làn sóng dịch COVID-19 đang đe dọa bùng phát tại New Zealand khi các ca mắc trung bình 7 ngày qua của quốc gia này lên đến 7.246 người/ngày. Trong khi đó, tính đến ngày 2/7 chủng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang chiếm đến 70% ca mắc COVID-19 của Mỹ.


New Zealand đối mặt nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 mới
                
   

Ca mắc COVID -19 trung bình trong tuần qua củaNew Zealand lên đến 7.246 người/ngày - Nguồn:The New York Times

   

Giới chuyên gia y tế của New Zealand ngày 6/7 đã cảnh báo nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới tại nước này, với các trường hợp nhiễm virus đang gia tăng và nhiều loại biến thể đồng thời xuất hiện. Giáo sư Michael Baker - chuyên gia y tế công cộng thuộc trường Đại học Otago - chia sẻ có những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang lan rộng ở New Zealand.

Ngày 05/7, nước này ghi nhận 9.629 ca mắc COVID-19. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại quốc gia ở châu Đại dương cán mốc 7.246 người/ngày, tăng so với mức 5.480 người/ngày trong giai đoạn 7 ngày của tuần trước đó. Đây là mức thống kê cao nhất trong hơn một tháng qua ghi nhận tại New Zealand. Tỷ lệ tử vong và các trường hợp nhập viện hằng ngày do COVID-19 cũng đang tăng lên, với 487 người nhập viện trong vòng 1 tuần qua, đánh dấu tỷ lệ cao nhất kể từ cuối tháng 4 vừa qua.

Điều mà các chuyên gia y tế công cộng lo ngại là Chính phủ và người dân New Zealand đang tập trung nỗ lực để quay trở lại cuộc sống bình thường trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, theo đó dần "từ bỏ" các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh.

Theo Giáo sư Baker, chính phủ vẫn cần chuẩn bị sẵn các kịch bản để đối phó trường hợp dịch bệnh lây lan trở lại. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục đà lây lan như hiện nay, với trung bình 12-14 ca tử vong/ngày, thì New Zealand sẽ chạm ngưỡng 5.000 ca tử vong/năm do COVID-19. Tỷ lệ này cao hơn gấp 10 lần so với con số tử vong do dịch cúm gây ra hằng năm.

Giáo sư Baker và các chuyên gia y tế công cộng của New Zealand kêu gọi chính phủ và người dân áp dụng trở lại một số hạn chế cơ bản để ứng phó dịch bệnh, như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn và tự cách ly nếu mắc COVID-19, thay vì theo đuổi mục tiêu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch như hiện tại.

Chủng phụ của biến thể Omicron chiếm 70% số ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 ở Mỹ
                
   

Mọi người đứng xếp hàng để kiểm tra COVID-19 tại Quảng trường Thời đại tại thành phố New York (Mỹ) - Nguồn:gettyimages

   

Theo CDC Mỹ, tính đến ngày 2/7, ước tính chủng phụ của biến thể Omicron làBA.4 và BA.5 chiếm tới 70,1% các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành ở Mỹ, trong đó BA.4 chiếm 16,5% và BA.5 chiếm 53,6%.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ tuần trước đã khuyến nghị các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 điều chỉnh và bổ sung các thành phần chống BA.4 và BA.5 trong vaccine được sử dụng để tiêm các mũi nhắc lại bắt đầu từ mùa Thu này. CDC Mỹ cũng khuyến nghị gần 70% dân số nước này nên đeo hoặc cân nhắc đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng.

Hãng truyền thông U.S. News and World Report dẫn dữ liệu từ CDC cho rằng hiện tại 33% người Mỹ nên đeo khẩu trang khi ở không gian công cộng trong nhà và thêm 36% nên cân nhắc biện pháp này, căn cứ nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng.

CDC lưu ý rằng tỷ lệ những người Mỹ nên thực hiện biện pháp đeo khẩu trang này gia tăng khi Mỹ bước vào kỳ nghỉ cuối tuần. Số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ đang tăng nhẹ trong khi tỷ lệ nhập viện cũng tăng.

Theo U.S. News and World Report, hiện cả nước Mỹ ghi nhận trung bình gần 110.000 ca mắc mới mỗi ngày, cao hơn khoảng 10.000 ca so với mức trung bình một tuần trước đó. Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy phần lớn các bang đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, tờ The New York Times nhận định rằng việc giảm xét nghiệm COVID-19 đang làm mờ bức tranh dịch bệnh hiện tại ở Mỹ. Theo báo này, hiện tại các địa điểm xét nghiệm công do chính quyền các bang và địa phương điều hành đã giảm bớt, nhiều bang của Mỹ cũng đã ngừng cập nhật dữ liệu hàng ngày, do đó khó nhận biết rõ ràng tình hình dịch bệnh.

Ước tính gần đây của công ty nghiên cứu và tư vấn Health Catalysts Group cho thấy năng lực xét nghiệm PCR trong phòng thí nghiệm trong tháng Bảy sẽ chỉ bằng 50% so với hồi tháng Ba. Ngoài ra, phần lớn các xét nghiệm tại nhà có kết quả dương tính không được đưa vào dữ liệu chính thức và không phải tất cả những người nhiễm bệnh đều biết hoặc được xét nghiệm.

Israel cấp phép sử dụng vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ dưới 5 tuổi
                
   

Israel phê duyệt sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna cho trẻ em dưới 5 tuổi - Nguồn: AFP

   

Bộ Y tế Israel ngày 5/7 đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer và Moderna cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nachman Ash, hội đồng chuyên môn của bộ đã tổ chức 2 phiên họp nhằm đưa ra quyết định liên quan vấn đề này, trong đó công bố dữ liệu về tác dụng phụ và mức độ hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer và Moderna sản xuất. Hầu hết các chuyên gia đồng tình rằng các loại vaccine công nghệ mRNA này đều an toàn trong sử dụng, theo đó khuyến nghị việc tiêm vaccine cho trẻ em và trẻ sơ sinh có rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, đồng thời nhất trí khởi động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ có điều kiện sức khỏe bình thường. Dựa trên khuyến nghị của các chuyên gia, Bộ Y tế Israel đã quyết định phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna cho trẻ em từ 6 tháng đến 4 hoặc 5 tuổi.

Hơn 6 triệu người dân Israel đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó khoảng 17% là trẻ em từ 5-11 tuổi, nhóm trẻ nhất đủ điều kiện tiêm chủng cho đến khi giới chức Israel công bố phê duyệt mới nhất.

Hồi tháng Sáu, Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna cho trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi và vaccine của Pfizer cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi. Động thái này đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng vaccine công nghệ mRNA cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Cả hai loại vaccine trên đều đã được thử nghiệm đối với hàng nghìn trẻ em. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine có thể gây ra các phản ứng phụ ở mức độ nhẹ, trong khi cũng sản sinh kháng thể ở trẻ từ 6 tháng tuổi, tương tự như ở các nhóm tuổi lớn hơn. Theo các nhà khoa học, hiệu quả chống lại sự lây nhiễm cao hơn khi tiêm vaccine của Pfizer - khoảng 80%, trong khi ở Moderna là 51% đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi và 37% đối với trẻ từ 2-5 tuổi.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Argentina, Bahrain, Chile, Trung Quốc, Cuba, Hong Kong (Trung Quốc) và Venezuela đã cấp phép sử dụng các mũi tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em độ tuổi từ 1-3 tuổi, song không bao gồm vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA.
Nam Sơn