Tài đức vẹn toàn, đội ngũ sẵn sàng, vững vàng đi lên

Chính trị - Ngày đăng : 10:35, 07/07/2022

(BKTO) - Với những người Kiểm toán nhà nước (KTNN), lời hát trong ca khúc Bài ca kiểm toán nhà nước đã trở thành người bạn đồng hành: “Vì nền tài chính đất nước sáng tươi… Tài đức vẹn toàn, đội ngũ sẵn sàng, Kiểm toán Việt Nam vững vàng đi lên”.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng tân Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh. Ảnh: TTXVN

Đó không chỉ là những câu hát thân quen, gần gũi mà chính là hành động thực tế, truyền thống tốt đẹp, tương lai tươi sáng với niềm tự hào, tâm tư, nguyện vọng, ý chí, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN. 28 năm qua, trên chặng đường trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân, KTNN Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục làm tròn vinh dự, trách nhiệm của mình, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngày 11/7/1994, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 70/CP, chính thức khai sinh KTNN và ngày này trở thành ngày truyền thống của KTNN.

Năm 2005, Luật Kiểm toán nhà nước ra đời và được thay thế bằng Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi năm 2015 đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hoạt động của KTNN. Luật Kiểm toán nhà nước được ban hành đã “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của KTNN; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động của KTNN”.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã có quy định rõ ràng địa vị pháp lý của KTNN. Cụ thể, tại Điều 118: “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Các quy định của Hiến pháp, pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân, cùng với nỗ lực phấn đấu của KTNN đã đem lại những kết quả tích cực để KTNN đóng góp thiết thực cho đất nước. Thời gian qua, dư luận cả nước đánh giá cao cố gắng của KTNN trong việc bảo vệ giữ gìn tài sản công, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân thật sự là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN. Trong dịp kỷ niệm 25 ngày truyền thống KTNN (11/7/1994 - 11/7/2019), Lãnh đạo Quốc hội khóa XIV đã biểu dương: “Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, KTNN đã có những bước phát triển vững chắc, toàn diện… Hoạt động của KTNN đã giúp phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Những kết quả trong hoạt động của KTNN đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, khẳng định vai trò của cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có uy tín và trách nhiệm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”.

Tình hình và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung và yêu cầu, nhiệm vụ của KTNN nói riêng, ngày càng nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tích to lớn hơn nữa.

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đó, cần có sức mạnh tổng hợp, đồng bộ của KTNN và cả cộng đồng. Trước hết, KTNN phải không ngừng phấn đấu để ngày càng phát triển, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang của mình. Sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, sự tự giác rèn luyện phấn đấu của từng đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Giữ mình trong sạch, liêm chính, liêm sỉ và danh dự của KTNN, không dính vào tham nhũng tiêu cực, không vi phạm những điều cấm trong Luật Kiểm toán nhà nước cũng như kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của KTNN cần gắn chặt với các phong trào thi đua yêu nước, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó nâng cao thêm tinh thần đoàn kết thống nhất, đạo đức, trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức, người lao động để KTNN hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao. Đầu năm nay, phát biểu trên Báo Kiểm toán về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch công tác năm 2022, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước - đã chỉ rõ: Bài học thành công cũng như phương châm hành động của KTNN trong năm 2022 và các năm tiếp theo vẫn phải là “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”.

Cùng với cố gắng của mình, KTNN luôn mong được sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng hành, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, hệ thống chính trị và nhân dân.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Quốc hội có ý nghĩa quan trọng để KTNN trưởng thành, phát triển đồng hành cùng đất nước. Đơn cử như, nếu những bất cập trong nội dung cũng như việc thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước được kịp thời hoàn thiện, triển khai sâu rộng sẽ nâng cao hơn nữa địa vị pháp lý của KTNN và tạo rất nhiều thuận lợi để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Việc phối hợp chặt chẽ, đồng tình ủng hộ của hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động KTNN. Chẳng hạn, nếu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… tự giác phối hợp, tích cực hỗ trợ với KTNN, giúp KTNN thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của mình thì kết quả kiểm toán sẽ đạt kết quả thiết thực, đem lại lợi ích cho Nhà nước cũng như chính cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được kiểm toán. Chúng ta phải đoàn kết thống nhất để cùng phối hợp chấp hành đúng các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, không vi phạm những điều cấm trong Luật. Cụ thể là: Không lợi dụng hoạt động kiểm toán để tiêu cực, tham nhũng; không cản trở, gây khó khăn, can thiệp trái phép vào hoạt động kiểm toán; không mua chuộc, cung cấp thông tin sai lệch, thiếu trung thực… cho hoạt động kiểm toán… Trong đó đáng chú ý là các đơn vị được kiểm toán phải hợp tác cùng KTNN thực hiện những kết luận kiểm toán, như quy định tại Điều 57 của Luật Kiểm toán nhà nước về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán: “…6. Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của KTNN; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó cho KTNN”.

Thực tế 28 năm qua cũng chỉ rõ hoạt động của KTNN phải luôn có sự đồng hành, hỗ trợ to lớn của nhân dân. Vì vậy, chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” của Đảng phải luôn luôn được quán triệt, vận dụng, thực hiện đúng đắn, phù hợp, hiệu quả trong hoạt động của KTNN.

Ngày 21/01/2022, trong Thư chúc Tết gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội - đã bày tỏ sự tin tưởng: “KTNN sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”, góp phần xây dựng KTNN thực sự là cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, trách nhiệm và uy tín, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân”. Đây là nguồn động viên, cổ vũ, là mục tiêu để KTNN phấn đấu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với kết quả cao nhất.

Và như vậy, KTNN đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tích cực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh./.

MINH CÔNG