Phát huy vai trò độc lập, khách quan của Kiểm toán nhà nước trong xem xét, đầu tư các dự án quan trọng quốc gia
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:36, 07/07/2022
(BKTO) - Chia sẻ với Báo Kiểm toán xung quanh việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) trình Quốc hội ý kiến của mình về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhấn mạnh đến vai trò, ý kiến độc lập của KTNN trong xem xét chủ trương đầu tư cũng như hậu kiểm trong quá trình triển khai các dự án.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: sưu tầm
Thưa ông, một trong những điểm mới đáng chú ý trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu KTNN phải trình Quốc hội ý kiến của mình về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, nhằm phục vụ cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và đối với mỗi đại biểu Quốc hội nói riêng?
KTNN là cơ quan có ý kiến độc lập để xem xét tất cả những vấn đề mà Chính phủ thực hiện. Khi Chính phủ trình dự án tiền khả thi để Quốc hội xem xét thì đó là một sản phẩm mà Chính phủ đã hoàn thành. Trước khi đưa ra ý kiến của Quốc hội thì KTNN cần phải xem xét, đánh giá và có cái nhìn độc lập với sản phẩm mà Chính phủ trình sang Quốc hội, xem có những điểm gì cần lưu ý.
Hơn nữa, KTNN cũng là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, thiết kế... Như vậy, việc KTNN đưa ra ý kiến của mình không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến hay đưa ra ý kiến phản biện của mình. Bởi bản thân từng đại biểu Quốc hội không thể nào đánh giá được tính hợp lý của những con số dự toán cũng như các phương án thiết kế…
Như vậy có thể nói, việc phát huy vai trò của KTNN khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án làm thế nào để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, KTNN đã trình Quốc hội ý kiến của mình đối với 5 dự án quan trọng quốc gia và Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án này. Từ góc độ là một đại biểu Quốc hội, ông quan tâm đến vấn đề gì trong báo cáo của KTNN?
Trong các báo cáo về ý kiến của KTNN đối với 5 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, điều mà tôi đánh giá cao là KTNN đã so sánh được về suất đầu tư giữa các dự án. Qua đó, cho chúng ta thấy là có những khoản dự toán còn chưa thuyết phục và đặt ra câu hỏi tại sao lại có phần chênh lệch như thế. Không chỉ so sánh giữa các dự án với nhau mà KTNN còn đưa ra so sánh giữa dự kiến đầu tư cho những con đường này với các công trình đã đầu tư trước đây mà có tính chất tương tự. Đấy là căn cứ để chúng ta có cái nhìn thực sự khách quan để đánh giá xem dự toán như thế đã hợp lý chưa. Đó là điều có ý nghĩa rất lớn.
Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra những phương án thiết kế, các vấn đề về kỹ thuật; chẳng hạn như lựa chọn đường song hành như thế nào, lựa chọn hệ thống các đường cắt, đường lên xuống, mặt cắt... Đó cũng là cơ sở để chúng ta có ý kiến trao đổi tốt hơn về phương án thiết kế, nhằm lựa chọn được phương án hiệu quả và phù hợp nhất. Đây là những thông tin rất bổ ích mà KTNN đã cung cấp cho đại biểu Quốc hội.
Từ những vấn đề mà KTNN đã chỉ ra, ông có lưu ý gì với Chính phủ trong quá trình triển khai các dự án này; cũng như đối với KTNN trong quá trình kiểm toán các dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao?
Với những điểm mà KTNN đã chỉ ra thì rõ ràng là có nhiều vấn đề cần chú ý tới trong quá trình triển khai đầu tư các dự án, dù chúng ta chưa đưa ra kết luận cũng như chưa kết luận được là nó có phù hợp hay không. Vì vậy, phải chú ý để nghiên cứu, tính toán, đánh giá lại cho thật sự phù hợp. Điều này giúp cho Chính phủ nhìn nhận lại, đánh giá kỹ hơn khi thiết kế dự án khả thi, để tránh những chuyện sơ suất, sai sót, gây ra thất thoát, lãng phí.
Trong quá trình triển khai các dự án này, KTNN luôn luôn đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập. Dù KTNN đồng hành với quá trình triển khai dự án của Chính phủ nhưng không có nghĩa là KTNN và Chính phủ đi song hành với nhau. Đặc biệt cần lưu ý là không nên để là tất cả mọi thứ xong rồi chúng ta mới quay trở lại kiểm toán. Thực tế, nhiều khi qua hậu kiểm và phát hiện sai sót, vi phạm cũng không thể xử lý được, không thể sửa chữa, khắc phục được. Vì vậy, mặc dù là hậu kiểm nhưng KTNN phải phát hiện, cảnh báo kịp thời để chúng ta có thể điều chỉnh được.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thành từng khâu, từng công đoạn và khi mỗi khâu, mỗi công đoạn hoàn thành thì lập tức KTNN phải vào cuộc để hậu kiểm lại. Chẳng hạn như, sau khi thiết kế xong và bản thiết kế dự án đã được phê duyệt thì KTNN phải kiểm toán ngay. Hay như khi đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xong thì cơ quan kiểm toán cũng phải kiểm toán ngay kết quả đấu thầu. Trong quá trình thi công, từng hạng mục, từng công đoạn mà chúng ta có thể nghiệm thu và đánh giá hoàn thành thì KTNN cũng phải hậu kiểm lại ngay. Tức là đến khâu nào phải làm dứt điểm khâu đó.
Nếu làm được như thế thì sau khi công trình hoàn thành, có thể bảo đảm được rằng tất cả các công đoạn đều đã được nhìn nhận, đánh giá một cách độc lập. Trong quá trình đó, nếu có vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh cũng sẽ được xử lý nhanh, kịp thời. Tất cả đều nhằm mục tiêu duy nhất là làm thế nào những công trình quan trọng của quốc gia được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!/.
ĐĂNG KHOA