Chuyển đổi số trong doanh nghiệp kiểm toán: Điều kiện cần và đủ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:36, 07/07/2022

(BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, ông Mai Viết Hùng Trân - Phó Tổng Giám đốc PwC, lãnh đạo bộ phận kiểm toán - khẳng định: Chuyển đổi số (CĐS) là yêu cầu tất yếu, không một doanh nghiệp (DN) kiểm toán nào có thể đứng ngoài cuộc. Để CĐS thành công, DN kiểm toán phải hội tụ các điều kiện cần và đủ.


Ông Mai Viết Hùng Trân. Ảnh: Xuân Hồng

Thưa ông, CĐS là xu thế tất yếu của mọi ngành, mọi lĩnh vực trong thời đại công nghệ 4.0. Sức mạnh của CĐS đã lan tỏa đến lĩnh vực kiểm toán độc lập như thế nào theo cảm nhận của ông?

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh đại dịch toàn cầu gần đây, nhu cầu CĐS chưa bao giờ lại trở nên quan trọng đến thế. Khi CĐS diễn ra trong DN, nó cũng sẽ lan tỏa đến bộ phận tài chính, kế toán cũng như lĩnh vực kiểm toán.

Lĩnh vực tài chính, kế toán hiện có 6 xu hướng công nghệ nổi bật: Dữ liệu lớn, sức mạnh tính toán, trí tuệ nhân tạo, trí tuệ vạn vật, robot tự hành và blockchain. Những công nghệ này mang lại nhiều tiện ích cho hoạt động chuyên môn của các chuyên gia kế toán, tài chính. Ngành kiểm toán cũng không nằm ngoài xu hướng CĐS này, đòi hỏi các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán luôn luôn tìm hiểu và ứng dụng công nghệ để phục vụ công tác kiểm toán ngày càng nhiều thách thức.

Thế còn với PwC, ông có thể chia sẻ về những bước đi cùng các thành tựu trong hành trình CĐS của DN mình?

Đầu tư vào công nghệ đóng vai trò quan trọng giúp PwC có khả năng cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng cao. Các công nghệ được xem xét cẩn trọng và lựa chọn dựa trên giá trị mang lại cho DN, cho phép chúng tôi cung cấp dịch vụ kiểm toán chuyên sâu.

Với mục tiêu tự động hóa công việc, PwC đã xây dựng Digital Accelerator - chương trình nội bộ đưa các nhóm nhân viên vào chương trình đào tạo chuyên sâu các kỹ năng về công nghệ như tự động hóa, máy học, tư duy thiết kế và kể chuyện kỹ thuật số, giúp họ có thể tự động hóa các quy trình để giảm thiểu đáng kể thời gian thực hiện các công việc thủ công, xác định những vướng mắc trong một số ngành và đưa ra các giải pháp công nghệ cho việc kiểm toán.

PwC cũng đã xây dựng thành công Digital Lab - kho lưu trữ hàng nghìn công cụ được tạo ra nhằm hỗ trợ và hợp lý hóa những công việc hằng ngày mà kiểm toán viên (KTV) thực hiện cho khách hàng. Lab bao gồm những công cụ và bot tự động hóa các công việc kiểm toán thủ công trước đây, giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Một số công cụ mà mạng lưới PwC đang sử dụng trong quy trình kiểm toán có thể kể đến: Halo - hỗ trợ kiểm tra dữ liệu có khối lượng khổng lồ, phân tích để cải thiện việc đánh giá rủi ro, đồng thời là chìa khóa mở ra cánh cửa nhìn sâu vào các thông tin bên trong DN; Aura - nền tảng dựa trên đám mây, là hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực DN) kiểm toán, nơi xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán phù hợp với quy mô từng khách hàng và là nền tảng hỗ trợ lưu giữ bằng chứng kiểm toán; Smart Audit Platform - kiểm tra tính nhất quán và công thức trong báo cáo tài chính…

Các công việc hiện tại đang có xu hướng dịch chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và phát triển công nghệ hỗ trợ cho công việc kiểm toán là xu hướng tất yếu, sống còn của các DN kiểm toán.

Theo ông, những thuận lợi và khó khăn nào đang đặt ra đối với PwC nói riêng và DN kiểm toán nói chung trên hành trình CĐS hiện nay?

Như tôi vừa chia sẻ, CĐS giúp nâng tầm kỹ năng và trình độ của KTV, tự động hóa các quy trình kiểm toán nhằm nâng cao năng suất và chất lượng kiểm toán. Ngoài ra, với tư cách là thành viên mạng lưới PwC toàn cầu - một cộng đồng được hỗ trợ bởi công nghệ - chúng tôi dễ dàng tiếp cận và cập nhật các công nghệ hiện đại trên thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi, một khó khăn liên quan đến hành trình CĐS trong ngành kiểm toán nói chung là năng lực cạnh tranh của KTV. Thực tế đã chứng minh, nguồn nhân lực trong ngành quản trị tài chính, kế toán ở Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng chưa cao. Thống kê của Hội KTV hành nghề Việt Nam cho thấy, có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán, kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng trên nhiều khía cạnh. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đạt chất lượng và bảo mật. Yêu cầu mật thiết về các biện pháp cũng như chính sách bảo mật thông tin đòi hỏi DN nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng hệ thống công nghệ thông tin và tìm kiếm đối tác uy tín để nâng cao tính an toàn của dữ liệu.

Vậy, điều kiện cần và đủ để DN kiểm toán CĐS thành công là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng, để DN kiểm toán CĐS thành công, điều kiện cần là:

Xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin hiện đại: Các DN cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, quản trị dữ liệu trên nền tảng dữ liệu lớn; đảm bảo thông suốt, kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu trong nội bộ và với các tổ chức bên ngoài mà vẫn có tính bảo mật cao. Ứng dụng dữ liệu lớn cũng góp phần phát hiện và ngăn chặn hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, kiểm soát rủi ro, giúp minh bạch báo cáo tài chính, kiểm soát đánh giá và nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Các xu hướng mới trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán cũng đặt ra yêu cầu phát triển mới các nhóm kỹ năng cần thiết cho kế toán, KTV. Các KTV cần được đào tạo, bồi dưỡng nắm chắc chương trình kiểm toán được thiết lập trên nền tảng kỹ thuật số, hiểu rõ và sử dụng thành thạo các phần mềm kế toán, cách trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực.

Đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin: Tập trung xây dựng hệ thống an ninh mạng đảm bảo thông tin dữ liệu kế toán, kiểm toán có tính bảo mật cao trước sự đe dọa của tội phạm mạng. Nguy cơ bị đánh cắp thông tin là một rủi ro lớn mà kế toán, KTV phải nhận thức và chuẩn bị cho các vấn đề có thể phát sinh khi ứng dụng công nghệ.

Sự hỗ trợ từ các mối quan hệ hợp tác: Việc tăng cường và mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế giúp các tổ chức kế toán, kiểm toán, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm, hỗ trợ các dự án đổi mới mô hình quản lý nghiệp vụ kế toán, kiểm toán.

Điều kiện đủ chính là DN và KTV cần thay đổi nhận thức về tác động của công nghệ số nói chung và Cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Những tiến bộ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ trở thành động lực giúp các cá nhân, DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kế toán phát triển, nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng công việc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!/.
XUÂN HỒNG