Năm thành công và phát triển vượt bậc của doanh nghiệp Việt
Đầu tư - Ngày đăng : 13:45, 26/02/2018
(BKTO) - Phát biểu trước cộng đồng DN Việt Nam vào tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi nói: “Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui về những thành công và sự phát triển vượt bậc của cộng đồng DN Việt Nam. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội”. Quả thực, niềm vui ấy đang từng ngày được nhân lên qua từng quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ.
Năm 2017, Chính phủ đã thổi luồng gió mới vào cộng đồng DN Việt.Ảnh: ST
Ghi nhận nhiều kỷ lục mới
Tổng kết năm 2017, số DN thành lập mới đã đạt mức kỷ lục - gần 127 nghìn DN với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3,1 triệu tỷ đồng. Đồng thời, có trên 26 nghìn DN hoạt động trở lại. Số vốn FDI đăng ký cũng đạt kỷ lục trên 35 tỷ USD - tăng 30%, số vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD - cao nhất trong 10 năm qua. Đánh giá về kết quả này, Thủ tướng nhấn mạnh: Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Chính phủ đã thực sự thổi “luồng gió mới” vào cộng đồng DN nhờ những nỗ lực thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, tập trung hoàn thiện thể chế, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện nhiều nhất trong năm 2017. Cụ thể, Báo cáo 2018 của WB đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với năm 2012. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng xếp hạng Việt Nam đứng thứ 55/137 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với kỳ xếp hạng trước đó và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moodys cuối năm 2017 cũng nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có 44,8% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2017 tốt hơn quý trước và 36,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, chỉ có 18,7% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự báo về triển vọng sản xuất kinh doanh của quý I/2018 so với quý IV/2017, có 48,2% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 35,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, chỉ có 16,1% số DN dự báo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn là một trở ngại lớn đối với các DN đang hoạt động. Bởi theo kết quả điều tra của VCCI, có đến 35% DN đang phải dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính và cứ 4 DN thì có 1 DN cho biết khó khăn lớn nhất với họ là thủ tục hành chính phiền hà.
Thực thi chính sách, tạo động lực cho DN
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ, trong năm 2017, các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng thực hiện Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, mức độ thực hiện và kết quả đạt được còn thấp và chậm hơn so với yêu cầu của Nghị quyết, cũng như mong đợi của cộng đồng DN. Đến nay, mới chỉ có 5 Bộ, ngành thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Các Bộ khác hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng nhận định, mặc dù thứ hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện tích cực nhưng vẫn thiếu tính bền vững, bởi vẫn có nhiều chỉ số chưa được cải thiện qua nhiều năm.
Một chỉ số đáng quan ngại là năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực: chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào. Hơn nữa, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Để khắc phục những bất cập trên, ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2018. Nghị quyết nêu rõ, cần cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Phấn đấu năm 2018 cải thiện đáng kể về thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
Hứa hẹn mở ra cơ hội thị trường rộng lớn cho cộng đồng DN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết: cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Điều này mang đến nhiều cơ hội mới cho các DN tham gia vào các chuỗi giá trị trong các nền kinh tế thành viên của Hiệp định.
Trong vai trò cơ quan tham mưu, Bộ KH&ĐT cũng đang kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh năm 2018 (Nghị quyết 19/2018/NQ-CP), trong đó tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh và cải thiện các chỉ số còn thấp. Đồng thời, mở rộng thêm nội dung về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
PHÚC KHANG