Kim ngạch thương mại toàn cầu đạt kỷ lục trong quý I năm 2022

Chính trị - Ngày đăng : 20:50, 08/07/2022

(BKTO)- Theo báo cáo mới nhất, thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7,7 nghìn tỷ USD trong quý I năm 2022, tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên xu hướng tích cực này có thể sẽ không kéo dài khi sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi giá hàng hóa và nhiều nền kinh tế lớn vẫn được dự báo đứng trước nguy cơ suy thoái.


Khối lượng thương mại chỉ tăng ở mức độ thấp
                
   

Thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7,7 nghìn tỷ USD
   trong quý I năm 2022 - Nguồn:lesechos.fr

   

Báo cáo cập nhật tình hình thương mại toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 7/7 cho biết kim ngạch thương mại toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 7,7 nghìn tỷ USD trong quý 1 năm 2022, tăng khoảng 1 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, xu hướng tích cực đối với thương mại quốc tế có thể sớm kết thúc trong bối cảnh các chính sách thắt chặt và mâu thuẫn địa chính trị. Sự tăng trưởng này (tăng khoảng 250 triệu USD so với quý IV năm 2021) được thúc đẩy bởi giá hàng hóa tăng trong khi khối lượng thương mại chỉ tăng ở mức độ thấp hơn nhiều. Mặc dù tình hình dự kiến sẽ vẫn tích cực, song tăng trưởng thương mại chậm lại trong quý II năm 2022.

Báo cáo cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đang bắt đầu ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, phần lớn qua việc tăng giá. Bên cạnh đó, lãi suất tăng và việc cắt giảm các gói kích thích kinh tế có thể sẽ tác động tiêu cực đến khối lượng thương mại trong thời gian còn lại của năm 2022. Sự biến động giá cả hàng hóa và các yếu tố địa chính trị cũng sẽ tiếp tục khiến tình hình thương mại trở nên bất định.

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng thương mại trong quý I/2022 vẫn mạnh mẽ trên tất cả các khu vực địa lý, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, mặc dù có phần thấp hơn ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung đã mạnh hơn ở các khu vực xuất khẩu hàng hóa, do giá hàng hóa tăng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển trong quý I/2022 cao hơn khoảng 25% so với quý I/2021. Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển là khoảng 14%.

Báo cáo cho thấy hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận giá trị thương mại trong quý I/2022 tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhiên liệu cao là nguyên nhân thúc đẩy giá trị thương mại trong lĩnh vực năng lượng tăng mạnh. Tăng trưởng thương mại cũng trên mức trung bình đối với kim loại và hóa chất. Ngược lại, xuất nhập khẩu phương tiện đi lại-vận chuyển và thiết bị thông tin liên lạc vẫn ở dưới mức của năm 2021 và 2019.

Báo cáo cho biết tình hình thương mại thế giới trong thời gian còn lại của năm 2022 có khả năng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến do lãi suất tăng, áp lực lạm phát và lo ngại về khả năng thanh toán nợ ở nhiều nền kinh tế.

Gia tăng nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế
                
   

Người dân mua thực phẩm tại khu chợ ở Colombo, Sri Lanka - Nguồn: AFP

   

Theo một khảo sát của trang Bloomberg với các nhà kinh tế mới được công bốngày 6/7 cho thấy nguy cơ nhiều nền kinh tế châu Á rơi vào suy thoái đã gia tăng so với cuộc khảo sát trước.

Đứng đầu danh sách là Sri Lanka - quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay, có 85% xác suất rơi vào suy thoái trong năm tới. Con số 85% này tăng từ mức 33% trong cuộc khảo sát trước và cho đến nay đây là mức tăng cao nhất trong khu vực . Các nhà kinh tế cũng nâng dự báo về khả năng suy thoái ở New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Philippines lên lần lượt là 33%, 20%, 20% và 8%. Các ngân hàng trung ương ở những nơi đó đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Xác suất suy thoái của một số nền kinh tế châu Á khác không thay đổi trong cuộc khảo sát. Các nhà kinh tế nhận thấy có 25% nguy cơ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản sẽ bước vào cuộc suy thoái.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế nhận định kỳ suy thoái kinh tế kế tiếp tại Mỹ nhiều khả năng sẽ xuất hiện vào cuối năm nay, có thể ở mức vừa phải, nhưng thời gian cũng có thể kéo dài. Nhiều nhà quan sát dự báo mức suy giảm kinh tế Mỹ sẽ không nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tài chính thời kỳ 2007-2009 hay đợt suy thoái trong những năm 1980 – thời kỳ ghi nhận mức lạm phát cao. Tuy nhiên, lạm phát leo thang có thể là nhân tố khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) không vội vàng đưa ra chính sách đảo ngược đà suy giảm kinh tế, vì vậy suy thoái có thể ở mức vừa phải, nhưng thời gian có thể kéo dài hơn.

Trước đó, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/6 cho thấy GDP giảm 1,6% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này sâu hơn so với mức 1,4% mà cơ quan này công bố dữ liệu ước tính sơ bộ hồi tháng 4. Quý I/2022 cũng là quý đầu tiên GDP Mỹ giảm kể từ quý II/2020 khi nước Mỹ chìm sâu vào nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

GDP quý đầu năm 2022 của Mỹ cũng giảm sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong 3 tháng cuối năm 2021. Các chuyên gia dự báo hoạt động kinh tế Mỹ sẽ còn chậm lại khi FED tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng thời thận trọng theo dõi những dấu hiệu đang manh nha về nguy cơ suy thoái (GDP suy giảm 2 quý liên tiếp).
Nam Sơn (Tổng hợp)