Gỡ “vướng” trong kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:06, 09/07/2022

(BKTO) – Việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện kiểm toán đối với doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống là cần thiết và là yêu cầu tất yếu nhằm kiểm tra, giám sát nguồn vốn nhà nước tại các DN này. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, còn không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ để KTNN thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng của mình trong kiểm toán các DN này.


                
   

Kiểm toán các DN nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống là cần thiết và tất yếu. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Yêu cầu tất yếu…

Năm 2009 và năm 2018, KTNN chuyên ngành VI thực hiện kiểm toán Liên doanh dầu khí Vietsovpetro theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga. Đây là đơn vị liên doanh với số vốn đầu tư của hai bên tương đối lớn, hoạt động theo mô hình đồng kiểm soát, cơ chế hoạt động được thực hiện theo Hiệp định ký kết giữa hai quốc gia Việt Nam - Liên Xô (sau này Liên bang Nga tiếp tục tiếp nhận và tiếp tục hợp tác đầu tư) và phía Việt Nam nắm giữ 49% vốn.

Kết quả kiểm toán của KTNN đã đưa ra và được hai bên nhất trí thực hiện là: Tăng nộp cho ngân sách nhà nước (NSNN) Việt Nam; kiến nghị hai phía đối tác từ cấp Chính phủ và các đơn vị quản lý trực tiếp liên doanh có những biện pháp khắc phục tồn tại, định hướng hợp tác khai thác trong điều kiện những biến động về chi phí hoạt động, chi đầu tư tìm kiếm tăng nhưng giá dầu biến động giảm và thất thường; kiến nghị mô hình hợp tác tương lai.

Năm 2009 đơn vị thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2008 của Công ty cổ phần FPT theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đây là Công ty cổ phần lớn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó Nhà nước chỉ chiếm 7,5% vốn điều lệ.

Cuộc kiểm toán đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Qua kiểm toán đã kiến nghị tăng thu NSNN 10,7 tỷ đồng; kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng thu hồi hoặc tính tiền thu về sử dụng đất 4.100 m2; kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét lại phương thức quản lý, tính thuế đối với Tập đoàn… và chỉ ra những bất cập trong hệ thống quản trị nội bộ DN và hệ thống quản trị tính thuế.

Chia sẻ những kết quả này, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Nguyễn Thu Giang khẳng định, việc kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nền kinh tế, là yêu cầu mang tính tất yếu của Nhà nước nhằm kiểm tra, giám sát công tác đầu tư vốn nhà nước vào các DN này.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, KTNN sẽ thực hiện việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động đầu tư vốn nhà nước, báo cáo kiểm toán sẽ là một kênh thông tin quan trọng để Nhà nước, Chính phủ nắm bắt được thực trạng, tình hình đầu tư vốn vào DN, làm cơ sở đưa ra các giải pháp, nhằm tăng cường công tác quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Đồng quan điểm, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII Phạm Thanh Sơn cho rằng, giai đoạn 2021-2026 theo lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các DN đã được Chính phủ phê duyệt, hàng trăm DNNN lớn mạnh trước đây, trong đó có hàng chục tổng công ty lớn sẽ có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ; số lượng DNNN cũng sẽ giảm nhiều. Do đó, giai đoạn này KTNN cần đẩy mạnh việc kiểm toán các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. “Nếu chậm trễ, có thể sẽ gây hậu quả lớn do mất an toàn đối với một lượng lớn vốn nhà nước tại các DN này” - ông Phạm Thanh Sơn nêu rõ.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch

Hiện nay, việc kiểm toán các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ được thực hiện trên cơ sở quy định tại khoản 10, Điều 55 của Luật KTNN năm 2015 và theo Quy trình, hướng dẫn kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-KTNN ngày 06/01/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, để hoạt động kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ được thực hiện đồng bộ, nhất quán và đạt hiệu quả cao hơn, đại diện các đơn vị kiểm toán đã chỉ ra và đề xuất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý cũng như trong tổ chức thực hiện.
                
   

Gỡ “vướng” trong kiểm toán DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn
   điều lệ. Ảnh: N.LỘC

   

Theo bà Nguyễn Thu Giang, hiện việc kiểm toán của KTNN đối với loại hình DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ về cơ bản chưa có tính pháp lý cao. Việc mới chỉ được đề cập đến trong khoản 10 Điều 55 của Luật KTNN năm 2015 là một bất cập, làm cho tính pháp lý của các đoàn kiểm toán chưa cao. Bởi đây là nguyên nhân để các thành phần kinh tế, cổ đông ngoài nhà nước lấy lý do để không hợp tác, hoặc hạn chế hợp tác trong công tác kiểm toán của KTNN đối với DN mà họ nắm giữ quyền chi phối, với suy nghĩ cho rằng DN không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN, từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận thông tin, số liệu của DN, đến công tác giải trình kiểm toán của DN, làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán.

“Trong thời gian tới, KTNN cần nhanh chóng nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành, bổ sung các điều khoản trong Luật KTNN năm 2015 nhằm luật hóa công tác kiểm toán của KTNN đối với các DN có vốn nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của KTNN” - bà Giang đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thanh Sơn đề nghị, cần làm rõ hơn việc ai phải chịu trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước khi KTNN kiểm toán tại DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm làm việc, cung cấp tài liệu, giải trình với KTNN giữa DN (người quản lý DN) với người đại diện vốn nhà nước tại DN.

Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị kiểm toán cũng đề nghị KTNN phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các quy định của văn bản pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng, đặc biệt là khái niệm vốn nhà nước, tiêu chí xác định thế nào là DN do Nhà nước nắm giữa 50% vốn điều lệ. Đồng thời, làm rõ hơn giới hạn tối thiểu về mức vốn nhà nước tại các DN mà KTNN sẽ kiểm toán, để tránh dàn trải trong hoạt động kiểm toán. KTNN cần xây dựng, ban hành hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn, thống nhất về việc lựa chọn, xác định chỉ tiêu kiểm toán, nội dung kiểm toán khi kiểm toán tại DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Đặc biệt, qua thực tiễn hoạt động kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường và đại diện một số đơn vị cho biết, Hướng dẫn tại Quyết định số 22/QĐ-KTNN mới được ban hành nên còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc, còn nhiều có ý kiến khác nhau trong quá trình thẩm định, xét duyệt kế hoạch kiểm toán… Do đó, KTNN cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành./.
N. HỒNG – N. LỘC
Bài phản ánh