Nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

Kinh tế - Ngày đăng : 20:51, 12/07/2022

(BKTO) - Theo các chuyên gia, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) mới chiếm khoảng 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU, cho thấy dư địa, tiềm năng về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và EU còn rất lớn. Do đó, hai bên cần thúc đẩy trao đổi thương mại nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.


                
   

EU có nhiều mặt hàng nông sản có giá trị cao và nổi tiếng trên thế giới -Ảnh minh họa: D.THIỆN

   

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU vẫn còn khiêm tốn

Chia sẻ về lợi thế sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông nghiệp, với lợi thế có môi trường vĩ mô ổn định, thị trường nội địa cóquy mô lớn với gần 100 triệu dân, thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư.

Theo đó, đến cuối năm 2020, tính lũy kế, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vựcnông nghiệp là 1.961 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 17,2 tỷ USD; có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư vào ngành nông nghiệp Việt Nam.

Về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, các mặt hàng trao đổi giữa hai bên phần lớn có tính bổ trợ, không cạnh tranh nhau, do đó, hợp tác, trao đổi thương mại về nông nghiệp giữa Việt Nam và EU luôn tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, kim ngạch trao đổi thương mại nông - lâm - thủy sản hai chiều tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 5,2 tỷ USD năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2022, con số nàyđạt 2,26 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Lãnh đạo Bộ NN & PTNT cũng cho biết, hiện nay, EU là thị trường quan trọng của Việt Nam với các mặt hàng xuất khẩu chủ lựcnhư cà phê, hạt điều, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Bên cạnh đó, hai bên còn nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại các mặt hàng nông sản như gạo, các sản phẩm nông sản chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…

Thông tin thêm về tiềm năng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - EU, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, EU hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm khoảng15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Mặc dù vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản vào EU (năm 2021). Điều đó cho thấy, giá trị và kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu cũng như so với nhu cầu nhập khẩu của các nước thuộc EU.

Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU để tăng cường trao đổi thương mại nông sản

Chia sẻ sâu hơn về các cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới, tại Diễn đàn kinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU mới diễn ra, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 01/8/2020 đã và đang mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy gia tăng trao đổi thương mạigiữa hai bên trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.
                
   

Diễnđànkinh doanh nông nghiệp Việt Nam - EU do VCCI phối hợp với Bộ NN & PTNT, Phái đoàn EU tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày 11/7. Ảnh: D.THIỆN

   

Cụ thể, với việc cắt giảm thuế quan, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản, rau củ tươi… sẽ có nhiều cơ hộiđẩy mạnhxuất khẩu vào thị trường các nước thuộc EU.

Đặc biệt, hiện nay, EVFTA là Hiệp định duy nhất có các cam kết về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong khuôn khổ Hiệp định này hiện có 39 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và việc mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể được thông qua đàm phán trong thời gian tới, sẽ mang lại nhữnglợi ích tốt hơn cho người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam. Có thể kể đến các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), chè Mộc Châu (Sơn La), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ)…

Ở chiều ngược lại, dòng thuế của các sản phẩm thịt (gà, bò, lợn), bơ sữa, phô mai, cao su... từ EU sang Việt Nam cũng được giảm đáng kể sau từ 5 - 7 năm thực thi Hiệp định. Như vậy, các doanh nghiệpEU cũng được hưởng nhiều lợi ích khi xuất khẩu sang Việt Nam, từ đó sẽ gia tăng trao đổi thương mại hai chiều.

Cũng nhấn mạnh tiềm năng mở ra từ việc thực thi EVFTA, tuy nhiên, ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch phụ trách Vận động chính sách, EuroCham lưu ý, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bên cạnh cần đáp ứng đầy đủ các quy định trong EVFTA, còn cần đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn rất khắt khe của châu Âu về các khía cạnh như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, truy suất nguồn gốc xuất xứ… thì mới có thể tiếp cận được thị trường các nước EU.

Với tiềm năng, dư địa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa EU - Việt Nam còn rất lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian tới,Việt Nam mong muốn thu hút các dự án đầu tư từ EU tập trung vào phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; phát triển các vùng chuyên canh lớn, phát triển ngành chế biến nông - lâm - thủy sản, nâng cao giá trị nông sản…

Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn nhận được thêm nhiều nguồn lực hỗ trợ từ EU để giúp Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống kiểm soát khai thác gỗ hợp pháp và kiểm soát chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp trên biển.

“Việt Nam coi EU là một đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn và tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là khi EVFTA đã được thực thi. Bộ NN & PTNT sẵn sàng hợp tác với EU để tạo thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; tháo gỡ rào cản, vướng mắc để thúc đẩy trao đổi thương mại nông - lâm - thủy sản, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người sản xuất, doanh nghiệp và nền kinh tế của hai nước” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ghi nhận những đề xuất của Việt Nam, ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy viên EU phụ trách nông nghiệp cho biết, thời gian qua, EU đã hỗ trợ Việt Nam một số dự án phát triển nông nghiệp. Điển hình như Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị và rau củ. Dự án này được EU tài trợ thông qua tổ chức Oxfam tại Việt Nam được triển khai từ năm 2020 đến nay.

Sắp tới, phía EU sẽ triển khai một số dự án hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, EU vừa thông qua Dự án Hỗ trợ kỹ thuật phát triển cây ca cao ở Việt Nam với khoản ngân sách là 1,5 triệu Euro và Dự án Thúc đẩy canh tác nông nghiệp sinh thái thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long./.

DIỆU THIỆN