Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phú Thọ cần tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng văn hóa Đất Tổ

Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 13/07/2022

(BKTO) - Chiều 12/7, tại TP, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ.



                

   Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
   


Nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, trong đó 6 tháng đầu năm nay ước đạt 7,8%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; thu hút đầu tư FDI đạt mức cao.

Thu ngân sách của tỉnh liên tục tăng cao, ước 6 tháng đầu năm nay đạt 4.589 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,2% dự toán năm, dự kiến hết năm 2022, thu ngân sách sẽ trên 10.000 tỷ đồng. Chi cân đối ngân sách địa phương ước 6 tháng đầu năm nay đạt 61,7% dự toán.

Giải ngân đạt tiến độ, 6 tháng đầu năm 2022 giải ngân 2.542 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch - là địa phương có tỷ lệ giải ngân trong nhóm 20/63 các tỉnh, thành cao nhất cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng đã báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về công tác phòng, chống dịch; việc thực hiện Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; việc triển khai thực hiện các giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 tại tỉnh.
         

Trong triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phú Thọ được bố trí 982,9 tỷ đồng, trong đó: Ngân hàng chính sách tỉnh Phú Thọ đã giải ngân thực hiện 156,4 tỷ đồng, bằng 71,5% số vốn được giao; đã thực hiện giải ngân 31,2 tỷ đồng cho vay tiền thuê/mua nhà ở xã hội cho 107 lao động tại 15 doanh nghiệp; miễn, giảm thuế Giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường, phí trước bạ 420,3 tỷ đồng, cho 900 doanh nghiệp; gia hạn nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân, tiền thuê đất 375 tỷ đồng. Hiện còn 282 tỷ đồng đầu tư y tế tuyến huyện chưa được triển khai vì chưa có thông báo của Bộ Y tế…


Tập trung khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, sau 25 năm tái lập tỉnh, Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và khá toàn diện, là một trong 3 tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tỉnh ủy đã rất chủ động xây dựng chương trình hành động triển khai các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phú Thọ là một trong số ít các địa phương có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, thể hiện quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển rất mạnh mẽ của địa phương.
                

   Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
   


Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số hạn chế cần tập trung khắc phục như: chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện song còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; là tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên, cơ cấu nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; phát triển đô thị còn chậm, tỷ lệ đô thị hóa đạt 20,4%, thấp hơn so bình quân chung cả nước; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện có hai vấn đề đang được Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, đó là thể chế phát triển vùng và cơ chế điều phối vùng. Với địa phương, cần quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11, đánh giá kỹ lưỡng các tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng, tính toán xác định các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, kết nối chính sách, kết nối hạ tầng với các tỉnh trong vùng để tạo sự bứt phá trong gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng các định hướng phát triển của tỉnh Phú Thọ là rất đúng hướng và cần tiếp tục đẩy mạnh, trong đó chú ý việc phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá và truyền thống riêng có của Đất Tổ Hùng Vương. Phú Thọ cần tiếp tục quan tâm, tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, giáo dục, phát huy nền văn hoá rực rỡ từ lâu đời và nhiều làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa. Cùng với đó, cần tập trung triển khai thực hiện Đề án của Tỉnh ủy về phát triển Thành phố Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc…/.


Đ. KHOA