Quản lý tài nguyên khoáng sản: Lộ diện nhiều thiếu sót qua kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:20, 13/07/2022
(BKTO) - Một số thiếu sót liên quan đến cơ chế, chính sách, hoạt động đấu giá quyền thăm dò, cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS)… đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Xuân Khải chỉ ra một số thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về TNKS, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện tốt cuộc kiểm toán chuyên đề. Ảnh: NGUYỄN LỘC. |
Kiểm toán để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2022 của KTNN mới đây, ông Nguyễn Xuân Khải - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II - cho rằng, TNKS có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này của các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu sót, dẫn đến việc sử dụng còn lãng phí, chưa hợp lý, khiến nguồn TNKS đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Trước thực trạng đó, năm 2022, Quốc hội đã đưa nội dung giám sát việc quản lý, khai thác và sử dụng TNKS vào Chương trình giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, qua đó phát huy vai trò của KTNN trong việc ngăn ngừa các hạn chế, thiếu sót, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TNKS, năm 2022, KTNN đã tổ chức kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2021 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố.
Theo đó, KTNN chuyên ngành II được lãnh đạo KTNN giao chủ trì xây dựng đề cương, hướng dẫn và thực hiện kiểm toán tại Bộ TN&MT và 11 địa phương.
Kế thừa kết quả và kinh nghiệm kiểm toán từ các cuộc kiểm toán trước, đơn vị đã chủ động thành lập Tổ soạn thảo Đề cương hướng dẫn kiểm toán chuyên đề, lấy ý kiến toàn Ngành để nghiên cứu, hoàn thiện trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện.
Bởi vậy, công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tập trung, thống nhất, xuyên suốt quá trình kiểm toán, từ mẫu biểu hồ sơ, xây dựng kế hoạch kiểm toán của Đoàn, Tổ kiểm toán đến thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. Công tác bố trí nhân sự tham gia Đoàn kiểm toán được lựa chọn kỹ lưỡng.
Quá trình triển khai thực hiện luôn có sự chỉ đạo thống nhất từ lãnh đạo KTNN, Đảng bộ bộ phận, Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán.
KTNN chuyên ngành II thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị trong Ngành, nhất là trao đổi về những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong hoạt động kiểm toán…
Năm 2013, KTNN đã kiểm toán Chuyên đề về việc cấp giấy phép và quản lý nhà nước về khai thác TNKS giai đoạn 2009-2012 tại Bộ TN&MT và 25 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Năm 2017, KTNN tiếp tục kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2014-2016 tại Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và 8 tỉnh, thành phố. Qua đó, KTNN chỉ rõ những kết quả đã làm được của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cũng như những bất cập, hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý và khai thác TNKS, từ đó đưa ra các kiến nghị có giá trị thực tiễn cao. |
Thiếu sót từ cơ chế, chính sách đến quá trình thực thi
Cuộc kiểm toán chuyên đề đã chỉ ra các thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về TNKS.
Cụ thể, một số mục tiêu của Chiến lược khoáng sản đến năm 2020 chưa đạt yêu cầu về tiến độ thực hiện. Một số văn bản quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến TNKS còn bất cập, hạn chế nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Việc tham mưu ban hành văn bản còn chậm, ban hành chưa phù hợp với quy định. Địa phương chưa ban hành, ban hành chậm hoặc chưa đầy đủ các quy định về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Có địa phương chưa hoặc chậm khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định. Việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền KTKS còn chậm, thiếu tiêu chí và chưa phù hợp theo quy định.
Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020 tại một số địa phương chưa được ban hành, việc điều chỉnh chưa phù hợp với quy định và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động đấu giá quyền thăm dò và KTKS, cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác còn nhiều hạn chế trong công tác thẩm định.
Một số địa phương có dự án khai thác khoáng sản đã đi vào khai thác (vận hành) nhưng chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; không làm thủ tục thuê đất hoặc chưa hoàn chỉnh thủ tục về đất đai nhưng vẫn thực hiện việc khai thác khoáng sản.
Công tác tính tiền cấp quyền KTKS, hoàn trả chi phí sử dụng kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư chưa đầy đủ.
Công tác quản lý sau cấp phép chưa đảm bảo dẫn đến các đơn vị, tổ chức được cấp phép hoạt động khoáng sản chưa tuân thủ đầy đủ Luật Khoáng sản năm 2010 và các quy định có liên quan đến hoạt động khai thác TNKS, như: Khai thác vượt công suất; không lập đầy đủ hồ sơ, chứng từ; chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với NSNN về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền KTKS, tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường…
Công tác thanh tra, kiểm tra tại Bộ TN&MT (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Tổng cục Môi trường) và tại 11 địa phương chưa thường xuyên theo quy định. Việc phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên một số hành vi, vi phạm của các đơn vị hoạt động khoáng sản chưa được xử lý hoặc xử lý chưa kịp thời theo các quy định hiện hành.
Công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với các địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên và phù hợp với quy định, dẫn đến Bộ TN&MT chưa tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác thu tiền cấp quyền KTKS trong phạm vi cả nước theo đúng quy định và báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước niên độ từ 2017 đến 2021 không đảm bảo đầy đủ, chậm theo quy định…
Mỏ khai thác đá vôi tại tỉnh Hà Nam. Ảnh: internet. |
Thống nhất trong tổ chức thực hiện, bổ sung đề cương nếu phát sinh vấn đề mới
Từ thực tiễn triển khai kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS giai đoạn 2017-2022, KTNN chuyên ngành II nhận thấy, trước hết, đối với kiểm toán chuyên đề, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung, thống nhất trong toàn Ngành để thống nhất nội dung, thông tin và thống nhất trong việc đưa ra ý kiến đánh giá, nhận xét, tránh trường hợp đưa ra các ý kiến nhận xét, đánh giá và kết luận, kiến nghị khác nhau đối với cùng một vấn đề, cùng một sai sót.
Hai là, các tổ kiểm toán, đoàn kiểm toán và KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực cần tăng cường trao đổi, đặc biệt là trao đổi về các phát hiện mới, kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay để mở rộng, áp dụng trong toàn Ngành. Từ đó, trí tuệ và tinh thần làm việc tập thể được tập trung và phát huy; những phát hiện, đánh giá được nâng tầm vĩ mô, quy mô mang tính toàn quốc, đúng với ý nghĩa của kiểm toán chuyên đề toàn Ngành.
Ba là, cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kịp thời về đề cương kiểm toán với những vấn đề mới phát sinh trong quá trình kiểm toán. Tránh tình trạng vấn đề mới được phát hiện nhưng lại bị hạn chế bởi các nội dung đã quy định trong đề cương kiểm toán do khi xây dựng đề cương chưa lường hết được.
Bốn là, thường xuyên trao đổi thông tin với các đơn vị được kiểm toán và đơn vị thực hiện kiểm toán để thống nhất, tạo sự đồng thuận về các nhận định, đánh giá, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách.
Năm là, với những chuyên đề có quy mô lớn, phức tạp, mang tính chuyên ngành, trước khi triển khai, KTNN nên tổ chức hội thảo, tham vấn chuyên gia đồng thời tạo hiệu ứng truyền thông, từ đó tạo sự đồng thuận và là cơ sở vững chắc trước khi triển khai kiểm toán.
Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cần chủ động làm việc với các cơ quan hoạch định, ban hành chính sách để thu thập thông tin, bằng chứng đầy đủ, thích hợp khi kết luận, kiến nghị để đảm bảo tính khả thi cao, nhất là đối với các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách còn hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với các quy định của pháp luật và thực tế./.
THÙY ANH