Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp
Kinh tế - Ngày đăng : 21:36, 15/07/2022
(BKTO) - Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi để hoàn thiện. Góp ý cho Dự thảo Luật, nhiều chuyên gia cho rằng một số quy định trong Dự thảo còn bất cập, cần được cân nhắc xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Dự thảo Luật Giao dịchđiện tử (sửa đổi) đangđược lấyý kiến gópýđể hoàn thiện -Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Giao dịch điện tử ra đời từ năm 2005, sau hơn 15 năm thực hiện, Luật đã tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy giao dịch điện tử, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào cải cách hành chính.
Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, Luật còn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ramạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu giao dịch điện tử đã gia tăng nhanh chóng trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế, xã hội; cùng với đó môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế.
“Việc xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi là rất cần thiết, nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật hiện hành, đồng thờiđáp ứng được yêu cầu thực tiễn về phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Thông tin về Dự thảo Luật, ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Dự thảo Luật được bố cục gồm 8 chương và 60 điều.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều quy định như giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; giao kết hợp đồng điện tử; các quy định quản lý hoạt động của nền tảng số; quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; quy định về an toàn, an ninh, bảo mật trong giao dịch điện tử…
Đánh giá về Dự thảo Luật, tại Hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mới diễn ra, các chuyên gia cho rằng, ưu điểm của Dự thảo Luật là đã khẳng định tính hợp pháp của giao dịch điện tử và việc sử dụng các công cụ điện tử trong các giao dịch; đồng thời các quy định trong Dự thảo đã tập trung điều chỉnh các hình thức điện tử của giao dịch như chữ ký số, chứng thư số, hợp đồng điện tử…
Hội thảogóp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do VCCI phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 14/7.Ảnh: D.THIỆN |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Dự thảo vẫn còn một số quy định bất cập, cần được cân nhắc xem xét điều chỉnh.
Ông Trần Mạnh Hùng - Luật sư điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN nêu ý kiến, các dịch vụ như internet, viễn thông, điện toán đám mây hay dịch vụ nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động internet, thương mại điện tử…
Vì vậy, việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ này một cách chung chung như trong Dự thảo Luật là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử. Những quy định này cũng không phù hợp với các thông lệ quốc tế hay các luật khung về giao dịch điện tử của các tổ chức quốc tế.
“Phần lớn Luật Giao dịch điện tử của các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung vào việc quản lý tính pháp lý của các phương tiện hoặc yếu tố điện tử của các giao dịch như chữ ký số, chứng thư điện tử, hợp đồng điện tử… chứ không quản lý các dịch vụ số hoặc nền tảng liên quan” - ông Hùng chia sẻ.
Một nội dung cũng còn băn khoăn được ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đề cập là Dự thảo có những quy định về nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp dịch vụ như phải cung cấp dịch vụ 24/7, phải công khai các thuật toán...
Theo ông Thành, những quy định này có thể ảnh hưởng đến quyền hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, tính bảo mật và sự an toàn của hệ thống thông tin mà các chủ thể cung cấp dịch vụ sử dụng. Mặt khác, các quy định này còn có thể tạo ra những rào cản và rủi ro cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng những biện pháp mà các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ các giao dịch điện tử quy định như trong Dự thảo là quá chặt và có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm. Với nội dung này, các chuyên gia cho rằng, quy định như trong bản Dự thảo lần đầu được đánh giá là hợp lý hơn, khi các biện pháp giải quyết tranh chấp chỉ được áp dụng khi các bên có liên quan yêu cầu.
Mặt khác, trong Dự thảo Luật còn có nhữngkhái niệm chưa được đề cập đến hoặc được quy định chung chung sẽ gây ra những bất cập trong quá trình thực hiện sau này. Ví dụ như, khái niệm “dữ liệu” trong Dự thảo rất rộng, hay không có định nghĩa về “bên xử lý dữ liệu”, điều này có thể gây ra không ít khó khăn,vướng mắckhi thực thi Luật.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng còn băn khoăn về quy định điều khoản miễn trừ trách nhiệm của các nền tảng liên quan đến nội dung hoặc hoạt động của người dùng, hay điều khoản chuyển tiếp...
Ghi nhận các ý kiến góp ý cho Dự thảo, từ góc độ cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, ban soạn thảo sẽ xem xét, cân nhắc tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.
Ông Đường cũng cho biết thêm, theo lộ trình, Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới và dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023, Quốc hội sẽ xem xét thông quaLuật này./.
DIỆU THIỆN