Bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, CĐ: Đổi mới, nhưng cần thận trọng
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 29/12/2016
(BKTO) - Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố có nhiều điểmmới, nhưng vẫn có quy định được cho là sẽ tác động xấu đến chủ trương phânluồng đào tạo, làm mất cân đối thị trường lao động. Báo Kiểm toán đã có cuộctrao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để làm rõ hơn về nhữngquy định của Dự thảo đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều này.
Thưa Giáo sư, ông nhận xét như thế nào về nội dung Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ với nhiều quy định mới vừa được công bố lấy ý kiến?
- So với mọi năm, Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay đã có thêm những điểm mới đáng lưu ý, trên cơ sở khắc phục và hoàn thiện dần kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo Dự thảo này, thí sinh sẽ không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển; bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm (không giới hạn thời gian như năm trước).
Đối với hình thức xét tuyển bằng học bạ Trung học phổ thông (THPT), Dự thảo cũng bỏ quy định điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển, hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với bậc ĐH. Như vậy, chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển vào rất nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, có những quy định có thể sẽ gây khó cho thí sinh; một số quy định trong Dự thảo còn gây tranh cãi, như chưa đảm bảo rõ ràng cách thức chia sẻ dữ liệu giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi các trường CĐ xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia; giải pháp kỹ thuật để tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạng cần phải được làm rõ hơn...
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.Ảnh: PHỐ HIẾN
Ông đánh giá như thế nào về quy định bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, CĐ theo Dự thảo Quy chế của Bộ GD&ĐT?
- Điểm sàn ĐH ngoài đảm bảo chất lượng đầu vào còn giúp phân luồng học sinh. Việc Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 bỏ điểm sàn đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong các trường, nhất là các trường CĐ. Tại một số hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Quy chế được tổ chức gần đây, nhiều ý kiến lo ngại rằng, những nội dung trong Dự thảo sẽ phá vỡ quy hoạch, định hướng phân luồng học sinh vào học nghề và phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, làm nặng thêm tâm lý bằng cấp trong xã hội, gây trầm trọng thêm cơ cấu nhân lực đang bất cập hiện nay.
Những lo lắng trên là có cơ sở, khi mà với cách dạy và học hiện nay, việc mở rộng cửa vào các trường ĐH sẽ làm gia tăng nguy cơ về chất lượng đào tạo thấp, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, công bằng nhìn nhận thì việc bỏ quy định điểm sản cũng là bước đi tích cực trong đổi mới thi cử. Bỏ điểm sàn chính là mở rộng quyền tự chủ cho các trường. Các trường sẽ căn cứ vào tôn chỉ mục tiêu, chất lượng đào tạo để tự cân nhắc đưa ra mức điểm chuẩn phù hợp. Còn nguồn tuyển của các trường CĐ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không phải chỉ lệ thuộc vào việc bỏ điểm sàn hay không.
Được biết, Bộ GD&ĐT đã có chủ trương cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH. Theo ông, việc xây dựng quy chế tuyển sinh như trên liệu có phù hợp?
- Theo tôi, việc xây dựng quy chế tuyển sinh theo hướng đổi mới như trên chính là hiện thực hóa những mục tiêu của Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH.
Hiện, Bộ cũng đang công bố lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhất là từ sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập. Việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các cơ sở giáo dục có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành. Từng tiêu chí được xét theo 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay.
Dự thảo Quy định Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục ĐH cũng quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng của các cơ sở giáo dục.
Như vậy, cùng với việc thực hiện cơ chế tuyển sinh theo hướng mở, việc tăng cường kiểm định chất lượng các trường ĐH sẽ góp phần thực hiện chương trình đổi mới giáo dục ĐH theo hướng tăng quyền tự chủ cho các trường, tăng cường công tác hậu kiểm, từng bước giảm bớt sự tham gia trực tiếp của Bộ GD&ĐT vào công tác tuyển sinh của các trường. Do đó, cần ghi nhận đây là chủ trương đúng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục ĐH. Điều quan trọng là cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý phù hợp để điều chỉnh các quy chế, quy định trước khi ban hành chính thức, mục đích cuối cùng là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC