Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu còn nhiều bất cập
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:55, 25/08/2016
(BKTO) - Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số văn bản nhằm nângcao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóaxuất, nhập khẩu (XNK), tạo thuận lợi tối đa trong thông quan hàng hóa, giảm chiphí cho DN. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN và kết quả khảo sát của cơ quanHải quan, hoạt động này vẫn còn nhiều rào cản, gây khó khăn cho DN.
Trong khi nhiều văn bản về KTCN còn bất cập, thì một số Bộ, ngành đã ban hành thêm các văn bản mớikhiến các DN gặp khó.Ảnh: TK
Kiểm tra chuyên ngành làm khó DN
Ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Tính đến ngày 30/6, có 344 văn bản quy phạm pháp luật quy định KTCN đối với hàng hóa XNK do các cơ quan có thẩm quyền ban hành; tăng 259 văn bản so với thời điểm xây dựng Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK (tháng 8/2015). Như vậy, trong khi nhiều văn bản về KTCN còn bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung thì một số Bộ, ngành đã ban hành thêm các văn bản mới. Tình trạng số lượng văn bản quy phạm pháp luật về KTCN ban hành nhiều, phạm vi rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số hàng hóa, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra khiến cho cơ quan Hải quan cũng như DN gặp khó.
Không dừng lại ở đó, theo phản ánh của nhiều DN XNK, hiện nay, thủ tục KTCN chiếm tới hơn 70% thời gian thông quan hàng hóa; trong khi đó, thực hiện các thủ tục hải quan chỉ chiếm gần 30% thời gian còn lại. Đại diện Công ty TNHH HP Toàn Cầu cho biết, DN này thường nhập khẩu hàng may mặc và phải kiểm tra chỉ số một vài nồng độ chất. Sau khi có kết quả KTCN, DN trả kết quả đó cho hải quan và phải đạt tiêu chuẩn mới được thông quan. Có khi DN nhập một vài mẫu, chỉ 5 đến 10 mét vải mà phải đợi thực hiện KTCN từ 7 đến 10 ngày, thậm chí mất đến nửa tháng để ra được kết quả.
Bên cạnh đó, thủ tục, quy định chồng chéo trong KTCN còn khiến DN mất nhiều công sức, chi phí. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chi phí KTCN là một gánh nặng đối với ngành Dệt may nói riêng và nhiều DN XNK nói chung. Dù ngành Hải quan đã áp dụng kiểm tra hàng hóa theo hình thức “phân luồng” để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa nhưng chính quy định của nhiều Bộ, ngành khác đã khiến thủ tục thông quan không những không giảm bớt mà ngày càng phức tạp, nhiêu khê. Đối với các DN được phân luồng xanh, luồng vàng, khi thực hiện hải quan điện tử có khi chỉ mất vài phút thao tác trên máy để thông quan, nhưng đợi các kết quả KTCN trước đó để có thể thông quan có khi mất cả tháng.
Gỡ khó trong kiểm tra chuyên ngành
Ông Ngô Minh Hải lý giải: Một trong những vướng mắc của công tác KTCN hiện nay là nhiều cơ quan chức năng thực hiện thủ tục KTCN chủ yếu bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận xử lý hồ sơ, trao đổi dữ liệu thông tin, công nhận kết quả KTCN. Qua khảo sát thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức KTCN chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong việc phân tích, đánh giá thông tin về DN để thực hiện KTCN dẫn đến kiểm tra nhiều, trùng lặp. Bên cạnh đó, các điểm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành thường tập trung bên trong nội địa, còn tại hầu hết cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường thủy, đường bộ hiện nay đều chưa có đại diện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp đưa ra kết quả chậm, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của các DN.
Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 30 đến 35% hiện nay, xuống còn 15% đến hết năm 2016. Để thực hiện được mục tiêu này, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK. Theo đó, các đơn vị phải kiên quyết rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật và thay đổi căn bản phương thức quản lý KTCN; trong đó, cần áp dụng quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng DN để áp dụng mức độ kiểm tra phù hợp, chuyển thời điểm KTCN tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau thông quan. Ngoài ra, các đơn vị phải minh bạch hóa Danh mục hàng hóa XNK thuộc diện quản lý, KTCN, chế độ quản lý, hình thức kiểm tra, thời điểm kiểm tra và chi phí kiểm tra KTCN; đồng thời, phải hiện đại hóa thủ tục quản lý, KTCN; đẩy mạnh tiến độ triển khai, kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giữa DN với các đơn vị có liên quan trong lĩnh vực này.
LÊ HÒA