Hậu Giang cần biến tiềm lực thành nguồn lực, không để tiềm lực ngủ quên

Chính trị - Ngày đăng : 16:05, 18/07/2022

(BKTO) - Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về kết quả thực nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, định hướng, nhiệm vụ thời gian tới và giải quyết các kiến nghị của địa phương.


                
   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.
   Ảnh: Chính phủ

   

Kinh tế phục hồi và đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2021, GRDP tỉnh tăng 3,08%, đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế đã được phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11%, cao nhất từ trước đến nay và đứng đầu vùng ĐBSCL, xếp thứ 8 trong cả nước. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%.

Công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%. Nông nghiệp tăng trưởng 4,49%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 68,8%. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chính phủ

   


Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ cho phép tỉnh đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang từ nguồn vốn vay nước ngoài phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Tỉnh cũng đề nghị được chuyển một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thành rừng sản xuất, điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để chuyển sang các loại đất khác nhằm thu hút đầu tư; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế

Đánh giá cao và biểu dương những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hậu Giang cần tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, sông nước của mình, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

"Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm giải quyết bằng được hai nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

                
   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022. Ảnh: Chính phủ

   

Trên cơ sở Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 đã được phê duyệt, Tỉnh cần đẩy nhanh hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, dài hạn, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Quy hoạch phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, từ đó xây dựng các đề án, dự án cụ thể, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tỉnh tăng nguồn ngân sách gắn với việc nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối tỉnh Hậu Giang với vùng ĐBSCL. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong vùng để đảm bảo tiến độ thực hiện các tuyến đường cao tốc, trong đó có 100 km đường cao tốc đi qua địa bàn.

Tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, năng lượng, công nghiệp thực phẩm, logistics. Đẩy mạnh phát triển du lịch, tập trung phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, DN.

Với đề xuất chuyển đổi một phần diện tích sang rừng sản xuất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Thủ tướng cho rằng đây là tài sản quý hiếm, có giá trị cả về mặt sinh thái và lịch sử không chỉ của Tỉnh mà còn cả vùng ĐBSCL. Do đó, cần phải nâng niu, giữ gìn, phát huy một cách khoa học, bảo vệ môi trường, sinh thái một cách nghiêm ngặt nhất.Mặt khác, các quy định hiện hành cho phép thực hiện các hoạt động kinh tế trong Khu bảo tồn này như du lịch sinh thái, vì vậy, các Bộ, cơ quan Trung ương hướng dẫn tỉnh Hậu Giang thực hiện theo quy định.

Thủ tướng mong muốn Hậu Giang biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, của cải vật chất, không để tiềm lực ngủ quên, đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên./.
THÙY LÊ