Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Chính trị - Ngày đăng : 21:50, 18/07/2022
(BKTO)- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu một cách đáng kể trong bản cập nhật sắp tới, giữa bối cảnh các nền kinh tế đang phải vật lộn với những lựa chọn hết sức hạn hẹp để giải quyết những rủi ro ngày càng lớn.
Kinh tế toàn cầu chịu quá nhiều "cú sốc"
IMF sẽ tiếp tục hạ đáng kể các dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu -Nguồn: Ibtimes |
Phát biểu sau khi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc hôm 16/7 mà không ra được thông cáo chung, bà Pazarbasioglu -Giám đốc Bộ phận Chiến lược, Chính sách và Đánh giá của IMF -nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc điều phối phản ứng toàn cầu đối với môi trường lạm phát gia tăng và lo ngại suy thoái.
Trước đó, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3,6%, từ mức 4,4% được đưa ra trước cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bản cập nhật đánh giá vào tháng này, "IMF sẽ tiếp tục hạ đáng kể các dự báo" - bà Pazarbasioglu nói.
Ceyla Pazarbasioglu cho rằng sự kết hợp giữa giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, xu hướng dòng vốn chảy chậm vào các thị trường mới nổi và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc tìm ra kế hoạch ứng phó thích hợp với vấn đề lạm phát gây ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Chi tiêu lãi nợ công của Đức tăng gấp đôi vì lạm phát
Ảnh minh họa - Nguồn: ukparentslounge |
Tập đoàn truyền thông Đức Redaktionsnetzwerk Deutschland (RND) trích dẫn tài liệu từ Bộ Tài chính nước này về ngân sách năm tới cho biết chi tiêu cho các khoản nợ chính phủ của Đức trong năm 2023 sẽ tăng gần gấp đôi so với mức hiện tại do lạm phát tăng cao.
Theo báo cáo, do tính toán sai lầm trong dự báo lạm phát của các chính phủ tiền nhiệm, khoản thanh toán lãi suất của nước Đức đối với nợ công của nước này sẽ tăng từ 16 tỷ euro (16,09 tỷ USD) lên gần 30 tỷ euro vào năm tới, do những năm gần đây chính phủ liên bang đã phát hành trái phiếu có liên quan đến tỷ lệ lạm phát.
RND nói rằng Berlin đã đánh giá thấp nguy cơ tăng lạm phát và do đó, họ hiện phải đối mặt với nhu cầu chi số tiền lớn hơn nhiều để phục vụ trả lãi cho các trái phiếu này. “Theo các tài liệu cho dự thảo ngân sách cho năm 2023, khoảng 7,6 tỷ euro phải được dành cho việc hoàn trả lãi cho cái gọi là trái phiếu liên quan đến lạm phát trong năm tới. Con số này cao hơn 3 tỷ euro so với năm nay và cao hơn gần 7 tỷ euro so với năm ngoái, khi lạm phát vẫn ở mức thấp”, RND cho biết.
Theo Văn phòng Nợ của Đức, số lượng các khoản vay như vậy của chính phủ hiện vào khoảng 65 tỷ euro, tức là dưới 5% tổng số nợ công 1,5 nghìn tỷ euro của quốc gia này. Tuy nhiên, tỷ trọng của các khoản vay này trong việc trả lãi rất không tương xứng, lên tới khoảng 25% tiền lãi. Báo cáo nhấn mạnh rằng các ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc quỹ đã cung cấp các khoản vay cho chính phủ Đức sẽ được hưởng lợi, vì họ sẽ nhận được nhiều hơn trong các khoản thanh toán lãi. Tuy nhiên, những người đóng thuế ở Đức có vẻ không hài lòng, vì tiền của họ sẽ được dùng để trả lãi.
"Đặt cược vào tỷ lệ lạm phát chắc chắn thấp khi vay nợ là một sai lầm hiện đang trở nên rất tốn kém đối với người nộp thuế", nghị sĩ Dietmar Bartsch, lãnh đạo phe Cánh tả tại Quốc hội Đức, nhận xét về tình hình. Ông cũng yêu cầu một cuộc điều tra về các chính sách nợ của các chính phủ tiền nhiệm.
New Zealand: Lạm phát lên mức cao nhất 32 năm, chính phủ duy trì hỗ trợ người dân
New Zealand đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục tính từ năm 1990 - Nguồn: The New York Times |
Số liệu do Cơ quan Thống kê New Zealand (Stats NZ) công bố ngày 18/7 cho thấy lạm phát nước này trong quý II đã tăng lên 7,3%, cao hơn 0,4% so với quý trước đó. Đây là con số lạm phát cao kỷ lục tính từ năm 1990, do chi phí sinh hoạt liên tục tăng “phi mã”. Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng này là chi phí nhà ở, đã tăng 18,3% trong vòng 12 tháng qua.
Người phát ngôn Stats NZ, Jason Attewell, cho rằng các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí lao động và nhu cầu cao đã tiếp tục đẩy chi phí xây dựng lên cao hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát toàn cầu, giá nhiên liệu, lương thực tăng cũng góp phần làm tăng chi phí sinh hoạt ở New Zealand.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính New Zealand, Grant Robertson, cho biết ông hy vọng con số 7,3% sẽ là mức đỉnh của lạm phát và sau đó sẽ dần đi xuống trong nửa cuối năm nay, theo như tính toán của các chuyên gia kinh tế.
Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, Chính phủ New Zealand đã khẩn trương ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ chi tiêu sinh hoạt cho người dân. Ngày 17/7, Wellington thông báo gia hạn chương trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu, đồng thời tiếp tục giảm 50% phí sử dụng đường bộ, giá vé giao thông công cộng, cho đến tháng 1/2023.
Ông Robertson cho biết quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và hỗ trợ chi phí giao thông công cộng được Wellington áp dụng từ tháng 3 năm nay và ước tính đã tạo ra các tác động cộng gộp, giúp New Zealand giảm lạm phát "lõi" khoảng 0,5 điểm phần trăm trong quý II. Việc gia hạn thêm chính sách này sẽ tiếp tục giúp hạ nhiệt tỷ lệ lạm phát trong các quý tới.
Cùng với các chính sách tài khóa của chính phủ, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ, tức ngân hàng trung ương) cũng đang thắt chặt các chính sách tiền tệ, nhằm hạ thấp lạm phát. Ngày 13/7 vừa qua, RBNZ đã tăng lãi suất lần thứ 6 liên tiếp, đưa lãi suất cơ bản lên mức trung lập 2,5%.
Canada: Thống đốc ngân hàng trung ương thừa nhận sai sót về dự báo lạm phát
Tỷ lệ lạm phát của Canada đã vọt lên 7,7% trong tháng 5/2022 - Nguồn: Reuters |
Tỷ lệ lạm phát của Canada đã vọt lên 7,7% trong tháng 5/2022, ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 1/1983.
Ông Tiff Macklem, Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada (BoC), trong một phát biểu mới đây dự báo tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Bắc Mỹ này có thể sẽ vượt ngưỡng 8% ngay trong tuần tới, và duy trì ở phạm vi này trong vài tháng nữa. Theo ông Macklem, lạm phát sẽ giảm xuống còn khoảng 3% vào cuối năm 2023 và đạt mục tiêu 2% của BoC vào năm 2024.
BoC lo ngại về vòng xoáy tiền lương - giá cả, nơi các doanh nghiệp tăng lương để giữ chân người lao động và sau đó chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, những người sau đó muốn mức lương cao hơn để bù đắp cho lạm phát.
BoC cho biết, trong năm vừa qua ngân hàng này đã đánh giá thấp hướng đi của lạm phát, do giá hàng hóa toàn cầu tăng bất ngờ và các mô hình chi tiêu tiêu dùng thay đổi mà BoC không thể tính đến được một cách đầy đủ. Và BoC đã phải mạnh tay tăng lãi suất để ngăn giá tiêu dùng tăng vọt ra ngoài tầm kiểm soát. Trong tuần trước, BoC đã chọn nâng lãi suất với quy mô "siêu lớn" từ 1,5% lên 2,5%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ tư liên tiếp của BoC kể từ tháng 3/2022.
Trong Báo cáo Chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế của BoC cho rằng phần lớn nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do giá hàng hóa, đặc biệt là dầu, trong năm qua đã chuyển động khác xa so với dự đoán của họ. Các chuyên gia thừa nhận đã đánh giá thấp sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ trong thời gian nền kinh tế đóng cửa, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế Canada sau các làn sóng lây nhiễm của đại dịch.
Những sai sót trong dự báo có ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ. Thống đốc Tiff Macklem thừa nhận rằng, nếu nhìn lại, tốt hơn là nên tăng lãi suất sớm hơn.
Nam Sơn (tổng hợp)