“Mẹ đã có ngàn đứa con, Mẹ đã có cả nước non”…

Chính trị - Ngày đăng : 09:35, 25/07/2022

(BKTO) - Với mỗi người Việt Nam chúng ta, ca khúc “Hát về Mẹ Việt Nam Anh hùng” của cố nhạc sĩ An Thuyên ra đời năm 1994, viết về những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mãi mãi ghi đậm vào lòng người với nhiều sự xúc động, tin yêu.


Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa cho cụ Đào Thị Phấn ở Cao Bằng (có con đi bộ đội), tại Đại hội Liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ V năm 1966. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước luôn đánh giá rất cao vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam. Theo Hồ Chủ tịch: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” và: “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1952, Hồ Chủ tịch đã viết thư gửi phụ nữ: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc… Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ, cùng vợ con của liệt sĩ”. Năm 1964, Người biểu dương: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang… Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ”. Phụ nữ Việt Nam đã trực tiếp chiến đấu, như Hồ Chủ tịch khen ngợi: “…mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Ngày 19/10/1966, trong Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam - Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của cả nước”. Người cũng khẳng định và yêu cầu: “Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại”.

Ngày 8/3/1965, kỷ niệm 55 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Hồ Chủ tịch tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Đảng, Nhà nước thường xuyên chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách, quy định tạo thuận lợi để phụ nữ Việt Nam trưởng thành và phát triển. Những đóng góp thiết thực của phụ nữ trong kháng chiến cũng như hòa bình đều được ghi nhận, biểu dương. Đặc biệt, các Mẹ chiến sĩ, Mẹ liệt sĩ trở thành biểu tượng ngời sáng của sự cống hiến, hy sinh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những Bà mẹ có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Pháp lệnh: “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” ra đời nhằm “ghi nhớ công lao to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc” và “Để phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta”. Đến nay, cả nước có hơn 140.000 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tỉnh Quảng Nam là địa phương dẫn đầu với hơn 15.700 Mẹ được phong tặng, truy tặng.

Tháng 7/2020, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt xúc động của 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thay mặt cho gần 5.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống của cả nước về dự. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ca ngợi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là: “những người mẹ vĩ đại đã hy sinh, hiến dâng những người thân yêu, ruột thịt của mình trong các cuộc kháng chiến, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và “Dù phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, song với ý chí và nghị lực phi thường, các Mẹ của chúng ta đều vượt mọi khó khăn, bệnh tật để sống vui, sống khỏe và động viên con cháu, người thân tích cực học tập, lao động và cống hiến cho xã hội, góp phần xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Cả nước hiểu và xúc động bởi: “Mỗi mẹ là một câu chuyện cảm động về sự hy sinh cao cả, kiên trung, là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau đời đời ghi nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc”. Đó là những Bà mẹ “Đời dâng hiến giống nòi, mẹ sống giữa gian lao, vì đất nước hy sinh cả cuộc đời”.

Cả đời Mẹ Việt Nam Anh hùng cống hiến trọn vẹn cho cách mạng, để “Giặc tan hết ta xây quê hương. Như ý Bác một đời hằng mong để rực rỡ, rực rỡ Việt Nam”. Nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng đã mất cả chồng con và bản thân Mẹ cũng trực tiếp đóng góp xương máu, tham gia chiến đấu vì đất nước. Ngày đêm, Mẹ thương nhớ những đứa con của Mẹ đã hy sinh vì Tổ quốc: “Nhìn mái tóc mẹ bạc phơ và ánh mắt mẹ như mơ/ Là biết mấy chờ mong mỏi mòn/ Từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại…”.

Đau thương, mất mát, nhưng Mẹ vẫn vững vàng, sẵn sàng đưa tiễn tiếp những người thân yêu ra trận vì Tổ quốc. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã 14 lần tiễn con cháu đi đánh giặc thì 12 người trở thành liệt sĩ. Mẹ Thứ đã trở thành hình tượng tiêu biểu của Mẹ Việt Nam Anh hùng!

Với trách nhiệm và tình cảm cao nhất, cả nước luôn tự hào, kính trọng, biết ơn, yêu thương chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mẹ mất những người con dứt ruột đẻ ra, nhưng “Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non”. Hình ảnh thật đẹp, thật hạnh phúc khi “Và chúng con hôm nay như ùa vào lòng mẹ”, để “Lại nghe hát ru con bên nôi, mẹ lại kể câu chuyện ngày xưa”. Với đất nước, quê hương và mỗi chúng ta “Mẹ đẹp mãi, mẹ hát cùng con”.

Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta đã, đang và sẽ mãi mãi cùng chung sức, đồng lòng chăm sóc chu đáo người có công với cách mạng, trong đó có các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày 19/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư “Về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng”, trong đó xác định: “Lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Trong công tác chăm sóc người có công cũng như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thời gian qua, chúng ta đã kết hợp chặt chẽ, hiệu quả chính sách ưu đãi của Nhà nước với các phong trào xã hội hóa của cộng đồng. Tiêu biểu như: Chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thường xuyên được bổ sung nhằm nâng cao cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của các Mẹ. Phong trào phụng dưỡng 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được triển khai tích cực, hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu. Hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tặng Nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhất là “Tấm chăn tặng Mẹ”, “Áo lụa tặng Bà”… được cả cộng đồng hưởng ứng tham gia. Tiêu biểu như các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức rất tốt việc phụng dưỡng gần 2.900 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, thật sự tình cảm, trách nhiệm như phụng dưỡng người Mẹ ruột của mình khi Mẹ còn sống và cùng địa phương, gia đình lo toan chu đáo hậu sự cho Mẹ khi Mẹ qua đời.

Với Tổ quốc, quê hương và với các thế hệ người Việt Nam, mãi mãi vĩnh hằng hình ảnh cao đẹp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng!/.

CÔNG MINH