Những quy định mới về thông tin tài chính theo quy ước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:05, 25/07/2022

(BKTO) - Yêu cầu lập báo cáo tổng hợp (BCTH) thông tin tài chính (TTTC) theo quy ước đối với một số trường hợp đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc đăng ký niêm yết cổ phiếu là một quy định mới tại Việt Nam. Đây là một bước đi đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng của thông tin cung cấp cho nhà đầu tư, tiến tới nâng hạng thị trường.



Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính theo quy ước giúp nhà đầu tư so sánh kết quả hoạt động và tình hình tài chính của DN hay tập đoàn trước và sau các hoạt động cơ cấu lại. Ảnh minh họa

Yêu cầu mới nêu trên được nêu rõ tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 10/2022/TT-BTC ngày 14/02/2022 hướng dẫn về lập và trình bày BCTH TTTC theo quy ước.

Xác định các điều chỉnh theo quy ước

Mục đích của BCTH TTTC theo quy ước là để minh họa tác động của một sự kiện như cơ cấu lại, sáp nhập, bán hay chia tách DN (hoạt động cơ cấu lại) với giả định là sự kiện này đã xảy ra tại một thời điểm trước đó. BCTH TTTC theo quy ước giúp cho nhà đầu tư có thể so sánh kết quả hoạt động (KQHĐ) và tình hình tài chính của một DN hay tập đoàn trước và sau các hoạt động cơ cấu lại. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cơ quan chức năng còn kiểm tra các điều kiện niêm yết như lãi và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu dựa trên BCTH TTTC theo quy ước.

Theo Thông tư số 10/2022/TT-BTC, về mặt hình thức, BCTH TTTC theo quy ước bao gồm: BCTH tình hình tài chính theo quy ước, BCTH KQHĐ theo quy ước và các thuyết minh đi kèm. Các báo cáo này được lập dựa trên báo cáo tài chính (BCTC) của các bên mua, bị mua, bị bán, hoặc bị chia tách, gọi chung là TTTC chưa điều chỉnh. Sau đó, DN xác định các điều chỉnh theo quy ước cần thiết. BCTH TTTC theo quy ước chính là kết quả của việc áp dụng những điều chỉnh này vào TTTC chưa điều chỉnh.

Trọng tâm của việc lập BCTH TTTC theo quy ước là xác định các điều chỉnh theo quy ước. Với mục đích lập BCTH tình hình tài chính theo quy ước, các điều chỉnh theo quy ước được tính toán với giả định rằng giao dịch cơ cấu lại đã hoàn tất vào ngày kết thúc giai đoạn lập BCTH THTC theo quy ước. Trong khi đó, để lập BCTH KQHĐ theo quy ước, DN phải tính toán các điều chỉnh theo quy ước với giả định rằng hoạt động cơ cấu lại đã hoàn tất vào ngày đầu giai đoạn lập BCTH KQHĐ theo quy ước. Đây là một trong những lý do vì sao không nhất thiết phải có sự thống nhất giữa BCTH tình hình tài chính theo quy ước và BCTH KQHĐ theo quy ước.
Bên cạnh đó, BCTH TTTC theo quy ước chỉ ghi nhận các điều chỉnh theo quy ước có đồng thời các điều kiện sau: Có liên quan trực tiếp đến hoạt động cơ cấu lại; đã phát sinh và được chứng minh bằng các bằng chứng thực tế, nghĩa là có thể xác định được một cách khách quan. Các điều chỉnh này phải phù hợp với khuôn khổ lập và trình bày BCTC và chính sách kế toán của DN, thông thường là các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, Chế độ Kế toán DN Việt Nam và các quy định có liên quan.

Việc xác định giá trị hợp lý của tài sản và nợ của bên bị mua và lợi thế thương mại trong giao dịch hợp nhất kinh doanh là một ví dụ. Các điều chỉnh theo quy ước liên quan đến hợp nhất kinh doanh phải được chứng minh bằng các bằng chứng thực tế. Cách làm khách quan nhất là sử dụng một bên định giá độc lập để ước tính giá trị hợp lý của các tài sản thuần có thể xác định được, các tài sản vô hình và các khoản nợ tiềm tàng chưa được ghi nhận trên BCTC của bên bị mua.

Một số lưu ý với doanh nghiệp

Hai nguyên tắc khác mà các DN có thể dễ nhầm lẫn trong cách hiểu nếu chưa có nhiều kinh nghiệm với BCTH TTTC theo quy ước.

Thứ nhất, các sự kiện phát sinh trực tiếp từ hoạt động cơ cấu lại và sẽ không phát sinh lại trong các kỳ sau không được phản ánh vào BCTH KQHĐ theo quy ước mà chỉ phản ánh vào BCTH tình hình tài chính theo quy ước. Việc ghi nhận một khoản thu nhập hay chi phí có những đặc điểm như trên vào lợi nhuận theo quy ước có thể gây ra hiểu lầm là chúng sẽ tiếp tục được phát sinh trong các kỳ sau, làm giảm tính hữu ích của TTTC theo quy ước. Nhưng những tác động của chúng lên tài sản và nợ theo quy ước lại là thông tin hữu ích cho nhà đầu tư.

Các chi phí tư vấn phát sinh trực tiếp từ hoạt động mua DN là một ví dụ. Nếu chúng chưa được ghi nhận trong TTTC chưa điều chỉnh thì DN chỉ phản ánh chúng trong BCTH tình hình tài chính theo quy ước, nhưng không phản ánh vào lợi nhuận theo quy ước. Ngược lại, nếu những chi phí này đã được ghi nhận trong TTTC chưa điều chỉnh thì DN phải loại trừ chúng khi lập BCTH KQHĐ theo quy ước, nhưng giữ lại tác động của chúng lên tài sản, nợ và nguồn vốn theo quy ước. Một ví dụ khác là lợi thế thương mại phát sinh trực tiếp từ hoạt động hợp nhất kinh doanh. DN phản ánh lợi thế dương trong tài sản theo quy ước. Nhưng lợi thế âm, tức là một khoản lãi không thường xuyên, không được phản ánh trong lợi nhuận theo quy ước.

Thứ hai, DN không được loại trừ khỏi BCTH TTTC theo quy ước các khoản mục không thường xuyên hoặc không phát sinh lại trong các kỳ sau mà các khoản mục này không liên quan trực tiếp đến hoạt động cơ cấu lại đã được ghi nhận trong báo cáo KQHĐ của các DN cơ cấu lại. Mặc dù những khoản mục này không thường xuyên nhưng việc chúng xảy ra là một phần của hoạt động DN, không liên quan trực tiếp đến hoạt động cơ cấu lại và vẫn là thông tin hữu ích cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, trong một số trường hợp đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc niêm yết cổ phiếu, BCTH TTTC theo quy ước phải được đảm bảo bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Chuẩn mực số 3420 “Hợp đồng dịch vụ đảm bảo về BCTH TTTC theo quy ước trong bản cáo bạch” (VSAE 3420). Các tổ chức kiểm toán đã có hướng dẫn về dịch vụ đảm bảo liên quan đến BCTH TTTC theo quy ước. DN và tổ chức kiểm toán cần lưu ý rằng, ý kiến theo VSAE 3420 là một ý kiến đảm bảo, không phải là ý kiến kiểm toán./.
         
Yêu cầu về lập và dịch vụ đảm bảo cho BCTH TTTC theo quy ước sẽ tạo thêm thông tin hữu ích cho nhà đầu tư trong các quyết định đầu tư. Vì đây là một yêu cầu mới, DN và tổ chức kiểm toán cần đầu tư về thời gian và nhân lực để có thể thực hiện nghiêm túc công tác lập và cung cấp dịch vụ đảm bảo cho BCTH TTTC theo quy ước. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét bổ sung các hướng dẫn và ví dụ cụ thể cho việc xác định các điều chỉnh theo quy ước.

​PHẠM THÁI HÙNG - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, Thị trường vốn và Tư vấn Kế toán, PwC Việt Nam