Nỗ lực hoàn thành kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước năm 2017
Góc nhìn - Ngày đăng : 11:05, 02/03/2018
(BKTO) - Xác định ngay từ đầu năm về những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2017, đặc biệt là trong thực hiện dự toán thu NSNN và chi đầu tư phát triển (ĐTPT), ngành tài chính đã nỗ lực và cơ bản hoàn thành kế hoạch NSNN năm 2017 với nhiều điểm nổi bật.
Thu NSNN tiếp tục vượt dự toán
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết 15/12/2017, tổng thu NSNN đã đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 871,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88% dự toán; thu từ dầu thô đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 13,7% và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 183,8 nghìn tỷ đồng, vượt 2,1% dự toán.
Năm 2017, xuất khẩu dầu thô đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2016. Chỉ số giá xuất khẩu dầu thô cũng tăng tới 26,31%, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu lên mức kỷ lục gần 214 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 20,8% so với năm trước, đạt xấp xỉ 211,1 tỷ USD với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 2,57%.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế và hải quan chú trọng khai thác nguồn thu trong nước; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra... Đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN đã đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% dự toán, tương đương 25,6% GDP, trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.
Tuy tỷ lệ thu vượt dự toán thấp hơn so với năm 2016 (8,56%), song tỷ lệ động viên vào NSNN lại cao hơn so với con số tương ứng 24,46% GDP năm 2016. Ngược lại, thu thuế và phí lại thấp hơn (22% GDP) so với năm trước.
Năm 2017, dự toán của Bộ Tài chính so với con số kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự khác biệt tới gần 100 nghìn tỷ đồng về quy mô GDP, do vậy, tỷ trọng thu NSNN so với GDP có sự chênh lệch đáng kể. Nếu so với số dự toán của Bộ Tài chính, GDP năm 2017 thậm chí thấp hơn tới 86.386 tỷ đồng, nhưng nếu so với con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì GDP lại tăng thêm 11.307 tỷ đồng. Theo đó, con số thu NSNN tăng tới 70.820 tỷ đồng so với dự toán đã chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn của ngành tài chính.
Cơ cấu thu NSNN có sự chuyển dịch
Bức tranh thu NSNN năm 2017 trái ngược so với năm 2016. Tính đến ngày 15/11/2017, thu nội địa mới chỉ đạt 79,8% dự toán, thì thu từ dầu thô đã vượt 3,2% dự toán và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng đạt 91,5%, trong khi các con số tương ứng năm 2016 lần lượt là 87,1% , 63,4% và 76,3%.
Một mặt, trong thu nội địa, thu tiền sử dụng đất tiếp tục vượt xa dự toán tới 44,5% (năm 2016 vượt 37,6%), thu thuế thu nhập cá nhân đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước 84,7% (năm 2016 là 90%). Nhưng mặt khác, thu thuế bảo vệ môi trường chỉ bằng 79,6% dự toán - thấp xa so với mức 91,5% cùng kỳ năm 2016; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước chỉ bằng 78,3% (năm 2016 đạt tới 94,1%), trong khi thu từ DN có vốn FDI (không kể dầu thô) đạt 69,5% cũng thấp xa so với mức 86,4% của năm 2016; thu từ khu vực DNNN vẫn giẫm chân ở hạng cuối với 64,5% - thấp hơn mức 68,9% của năm trước.
Tình hình thực hiện dự toán thu NSNN năm 2017 phản ánh khó khăn của khu vực DN nói chung. Tình trạng này tiếp diễn đến cuối năm 2017 khi tính đến 15/12/2017, chỉ có thu tiền sử dụng đất vượt dự toán 63,8%, đạt 104,4 nghìn tỷ đồng (năm 2016 là 98.753 tỷ đồng); thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 86,1% dự toán, đạt 167,5 nghìn tỷ đồng (năm 2016 là 157.034 tỷ đồng); thu thuế bảo vệ môi trường bằng 88,1% dự toán, đạt 39,8 nghìn tỷ đồng (năm 2016 là 43.632 tỷ đồng), trong khi thu thuế thu nhập cá nhân bằng 91,2% dự toán, đạt 73,9 nghìn tỷ đồng (năm 2016 là 65.239 tỷ đồng).
Đáng chú ý, thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chỉ bằng 76,5% dự toán, đạt 153,9 nghìn tỷ đồng, thấp hơn số thu được của năm 2016 tới 163.535 tỷ đồng; thu từ khu vực DNNN thậm chí còn đạt thấp hơn với 196,5 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 68,6% dự toán và thấp xa so với số thu của năm 2016 tới 257.321 tỷ đồng.
Đặc biệt, mặc dù nhiều khoản thu trong nước không đạt dự toán, song tỷ trọng thu nội địa vẫn chiếm xấp xỉ 80% trong tổng thu NSNN năm 2017 - cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tương ứng của năm 2015 - chỉ 58%. Điều đó cho thấy, tỷ trọng thu nội địa trong cơ cấu thu NSNN đang chuyển dịch theo hướng tích cực.
Chi thường xuyên vượt dự toán trong khi chi ĐTPT không đạt
Theo Tổng cục Thống kê, tổng chi NSNN tính đến ngày 15/12/2017 đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán, trong đó chi thường xuyên (TX) đạt 862,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2%; chi trả nợ lãi 91 nghìn tỷ đồng, bằng 92%. Tuy nhiên, chi ĐTPT chỉ đạt 259,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%, còn chi trả nợ gốc đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1%.
Tính đến 31/12/2017, Báo cáo NSNN của Bộ Tài chính không cho thấy con số tổng chi NSNN, song theo tính toán từ tổng thu và bội chi đã công bố thì tổng chi NSNN khoảng 1.457,3 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 4,8%, cao hơn con số tương ứng 1,8% trong ước thực hiện năm 2016 nhưng thấp xa mức vượt dự toán tới 31% trong quyết toán NSNN năm 2015. Rõ ràng thực tế, kỷ luật kỷ cương trong chi NSNN vẫn chưa được thiết lập, đặc biệt đối với chi TX và chi trả nợ gốc.
Theo Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2017, chi ĐTPT từ nguồn NSNN mới đạt khoảng 75,9% (năm 2016 là 77%), tương đương hơn 271 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ thậm chí chỉ đạt khoảng 23,5%, thấp xa so với thực hiện năm 2016 là 45,3%.
Như vậy, dự toán chi NSNN cả năm 2017 vẫn hoàn thành vượt mức, song kế hoạch chi ĐTPT vẫn không đạt mặc dù ngành tài chính đã có sự nỗ lực vượt bậc trong thời gian cuối năm. Nhờ sự đôn đốc mạnh mẽ của Chính phủ và sự tích cực của các đơn vị liên quan, tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn NSNN trong những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN năm 2017 đã đạt 290,5 nghìn tỷ đồng, bằng 94,4% kế hoạch và tăng 7,2% so với năm 2016, trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 91,1% (tăng 3,9% so với năm 2016), vốn địa phương quản lý đạt 95,4% (tăng 8,2% so với năm trước).
Mặc dù, Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ ngày 3/8/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã được triển khai, nhưng gần như tất cả các Bộ, ngành đều không hoàn thành kế hoạch. Đáng chú ý, trong khi vốn NSNN cấp tỉnh chỉ đạt 90,3% kế hoạch thì vốn NSNN cấp huyện lại đạt tới 106,7%, thậm chí vốn NSNN cấp xã còn vượt 25,4% kế hoạch.
Tình trạng không đồng đều trong thực hiện vốn đầu tư cũng xảy ra giữa các tỉnh, thành phố: trong khi Quảng Ninh đạt tới 116,1% kế hoạch, Hà Nội đạt 101,4%, Hải Phòng đạt 103,3% thì TP. Hồ Chí Minh mới đạt vỏn vẹn 74,3%, Nghệ An đạt 99,5%. Do tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN khác nhau nên sự khác biệt về mức độ hoàn thành kế hoạch sẽ gây ra thay đổi lớn trong cơ cấu thực hiện thu, chi NSNN so với cơ cấu dự toán. Kết quả, vốn đầu tư của khu vực nhà nước năm 2017 chỉ có 594,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 6,7% so với năm 2016 nhưng thấp hơn một nửa so với mức tăng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước (tăng 16,8%) và khu vực FDI (tăng 12,8%).
Cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch nhưng kiểm soát bội chi chưa vững chắc
Theo tính toán, tỷ trọng chi ĐTPT chỉ chiếm 19,9% tổng chi NSNN, thấp hơn so với con số tương ứng 21,6% thực hiện năm 2016 và 20,6% trong quyết toán NSNN năm 2015 và thấp xa so với tỷ trọng 25,7% trong dự toán năm 2017. Rõ ràng, cơ cấu chi NSNN đang chuyển dịch chậm, thậm chí chuyển động ngược khi chi TX chiếm tỷ trọng ngày càng lớn không chỉ do chi vượt dự toán mà còn vì chi ĐTPT đạt thấp hơn dự toán.
Theo Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực từ năm tài khóa 2017, chi trả nợ gốc không tính vào bội chi NSNN, cho nên bội chi NSNN năm 2017 là khoảng 174,3 nghìn tỷ đồng, giảm 4 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tương đương 3,48% GDP - thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay. Nếu tính cả chi trả nợ gốc khoảng 164 nghìn tỷ đồng thì thâm hụt NSNN theo cách tính cũ tăng vọt lên 6,75%, nghĩa là cao nhất kể từ năm 2009 đến nay do quy mô chi trả nợ gốc năm 2017 tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2009 và gấp 2,44 lần so với năm 2016.
Theo đó, nguồn bù đắp thâm hụt và chi trả nợ gốc gây áp lực rất lớn lên nợ công, mặc dù năm qua đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, kéo dài kỳ hạn bình quân phát hành trái phiếu Chính phủ (tăng khoảng 3,3 lần so với năm 2011), giảm lãi suất phát hành xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, nâng tỷ lệ nợ trong nước lên 60% tổng nợ chính phủ…
Tóm lại, kế hoạch thu, chi NSNN năm 2017 đã hoàn thành về tổng thể, song cơ cấu cả thu lẫn chi NSNN cũng như chi ĐTPT có sự chuyển dịch vượt khỏi định hướng trong dự toán thu, chi NSNN cả năm. Theo đó, công tác phân tích dự báo khi xây dựng dự toán và quản lý thực hiện dự toán NSNN năm 2018 và các năm tiếp theo rất cần được hoàn thiện và nâng cao hơn nữa để cơ cấu thu và chi NSNN chuyển dịch theo đúng định hướng mong muốn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách và nợ công.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH - Bộ Tài chính
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018