Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Chính trị - Ngày đăng : 18:35, 26/07/2022

(BKTO) - Ngày 25/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.


                
   

Quang cảnh Phiên họp.Ảnh: TTXVN

   

Thảo luậntại Phiên họp, các đại biểuđều đánh giá cao Dự thảo Đề án đã được xây dựngcông phu, khoa học, kỹ lưỡng; nêu được những nội dung cốt lõi từ các chuyên đề do các cơ quan chức năng được giao thực hiện...

Bên cạnh những vấn đề, nội dung đã thống nhất cao, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các thiết chế nhằm nâng cao quyền làm chủ của nhân dân; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương bảo đảm sát thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước…

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quá trình xây dựng Dự thảo Đề án phải dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và phát triển đất nước. Cùng với đó là tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy ngày càng tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch nước cũng cho biết, trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, khoa học, đến nay, nhiều vấn đề khác nhau trước đây đã có sự thống nhất cao.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nêu một số nội dung quan trọng cần tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, đó là mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; vấn đề hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới công tác lập pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo từng giai đoạn…/.

DIỆU THIỆN